Như báo Tin Tức đã thông tin trong số báo ngày hôm qua (2/11), phía Trung Quốc đã phát hiện và đang trong quá trình làm rõ trường hợp 1 bé gái 9 tuổi người Việt Nam bị bán sang Trung Quốc làm vợ người đàn ông tỉnh Thiểm Tây. Khi được hỏi ý kiến về sự việc này, ông Đặng Hoa Nam (Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) từ chối bình luận với lý do: "Bài báo chỉ nêu chung chung là tổng hợp từ báo chí Trung Quốc. Cần phải xác minh lại thông tin". Theo ông Nam, mặc dù bài báo có nêu phía công an Trung Quốc đã vào cuộc, tuy nhiên, phải xác minh lại thông tin từ phía công an Việt Nam, trực tiếp là bộ phận phòng chống buôn bán người (Cục Cảnh sát hình sự). "Với tư cách một cơ quan quản lý nhà nước, khi thông tin chưa được thẩm định lại thì chúng tôi chưa thể có bình luận gì", ông Nam cho biết.
Bé Vương Tiểu Phương (đi đầu) được công an thành phố
Thương Lạc giải cứu.
Trong những trường hợp tương tự, quy trình giải cứu là: Đầu tiên, phía Trung Quốc phát hiện và phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao Việt Nam để đưa nạn nhân về nước. Khi về đến Việt Nam, nạn nhân được đưa vào trung tâm đón tiếp nạn nhân bị buôn bán. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ xác minh lại nhân thân và hỗ trợ để giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc buôn bán người đã thành đường dây giữa các nước và việc trẻ em bị buôn bán có xu hướng ngày càng phức tạp. Thậm chí gần đây, ở tỉnh Hà Giang, còn có trường hợp cướp trẻ em. Đối tượng tội phạm xông vào tận nhà cưỡng ép bố mẹ của trẻ và cướp trẻ. Có trường hợp, đối tượng còn tìm đến tận nhà để gạ mua trẻ ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ…
Để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bị buôn bán, đại diện lãnh đạo Cục BVCSTE cho rằng có nhiều biện pháp "nhưng quan trọng nhất là xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng phòng ngừa". Do tình hình tội phạm buôn bán trẻ em ngày càng phức tạp, có khi Việt Nam chỉ là nơi trung chuyển, nên cần phối hợp tốt giữa các quốc gia. Hiện nay, Bộ Công an của hai nước đã ký bản ghi nhớ về phối hợp trong phòng chống buôn bán người qua biên giới. Sau khi nạn nhân được giải cứu về, cần có chính sách hỗ trợ tốt cho trẻ em có thể tái hòa nhập cộng đồng.
Một đối tượng buôn bán trẻ em bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị trình Chính phủ Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình này là xây dựng "Hệ thống bảo vệ trẻ em". Có nhiều yếu tố cấu thành hệ thống này: Chính sách pháp luật, cơ cấu tổ chức, dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Theo ông Đăng Hoa Nam, hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em cần phải cụ thể hơn nữa, trong đó phải lường hết những vấn đề mới nảy sinh. Về cơ cấu tổ chức, trước đây khi còn Ủy ban Dân số, gia đình và Trẻ em, đã có một mạng lưới cộng tác viên về công tác trẻ em tới tận từng thôn, bản. Tuy nhiên, sau này vì sắp xếp lại bộ máy quản lý, hệ thống này bị chững lại. Việc cần làm hiện nay là cần kiện toàn lại hệ thống đó. Bên cạnh đó, cần phải có hệ thống cán bộ xã hội chuyên nghiệp. Về dịch vụ bảo vệ trẻ em, hiện nay công tác phòng ngừa còn kém và chủ yếu mới giải quyết hậu quả. Hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em từ trong gia đình còn thấp, là do thiếu dịch vụ, thiếu cán bộ nên các trường hợp vi phạm bị phát hiện muộn, can thiệp chậm.
Theo ông Nam, mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em đã được thí điểm ở một số tỉnh thành và đã cho hiệu quả. Nếu được phê duyệt, năm 2011 sẽ bắt đầu triển khai rộng.
Mạnh Minh