Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thế Quang, cựu Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội - Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai chịu mức án 10 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Thị Lựu, cựu Phó Chánh Văn phòng 6 năm 6 tháng tù giam và Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi, kế toán Văn phòng mức án 5 năm tù giam. Trong ngày tuyên án, bị cáo Quang vắng mặt không có lý do.
Theo Hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử, bị cáo Quang không thừa nhận trách nhiệm nhưng có thừa nhận sai phạm; bị cáo Lựu và Vi thừa nhận các sai phạm và mong Tòa xét xử giảm nhẹ mức án. Hành vi các bị cáo diễn ra nhiều lần, kéo dài nhiều năm là tình tiết tăng nặng.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã đề nghị mức án từ 10 năm đến 10 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thế Quang; bị cáo Nguyễn Thị Lựu bị đề nghị mức án từ 5 năm 6 tháng đến 6 năm tù; bị cáo Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi bị đề nghị mức án 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù.
Ngày 23/12/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gây thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng xảy ra tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai. Theo cáo trạng, từ năm 2013-2016, biết rõ 7 biên chế của cơ quan đã được Văn phòng Quốc hội chi trả lương, các khoản phụ cấp nhưng các bị can Quang, Lựu và Vi vẫn thống nhất lập dự toán khống cho 7 biên chế này. Từ việc làm này của các bị can đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại địa phương tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Số tiền này, các bị can đã nhập chung với kinh phí chi các hoạt động chung của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xác định, bị can Quang là thủ trưởng đơn vị đã ký vào các văn bản chứng từ liên quan có tính chất quyết định đến việc dự toán kinh phí trùng, gây thiệt hại cho ngân sách. Bị can Quang có vai trò cao nhất trong vụ án. Bị can Lựu biết rõ là sai pháp luật nhưng vẫn tích cực tham mưu cho Quang ký các văn bản. Bản thân Lựu trực tiếp lập dự toán kinh phí năm 2013 và 2014, chỉ đạo Vi lập khống bảng lương tháng 7/2014, lập dự toán kinh phí năm 2015-2016.
Riêng bị can Vi trong năm 2015, phát hiện việc đưa 7 biên chế vào lập dự toán là sai và loại ra. Tuy nhiên, Lựu yêu cầu Vi phải đưa 7 biên chế này vào để lập dự toán xin cấp kinh phí. Bản thân Vi tuy biết rõ việc làm này là sai trái, nhưng thực hiện theo sự chỉ đạo của Lựu.
Trong vụ án này, quá trình kiểm tra, các cá nhân liên quan đã nộp ngân sách khắc phục hậu quả hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Thế Quang và Nguyễn Thị Lựu nộp tổng cộng hơn 2,3 tỷ đồng và Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi nộp 65 triệu đồng.
Về những sai phạm tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, cơ quan tố tụng mới chỉ đưa ra xét xử việc cấp trùng dự toán đối với 7 biên chế gây thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng. Riêng việc sai phạm tài chính gây thiệt hại đến 11,2 tỷ đồng mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai kết luận đang tiếp tục được làm rõ, xử lý.