Tử tù sẽ được chết bằng thuốc độc sản xuất trong nước

Bộ Công an đang phối hợp với các bộ ngành trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc độc sản xuất trong nước.

 

Báo cáo tại Hội nghị về việc triển khai luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng chống tham nhũng và Nghị quyết 37 của Quốc hội khóa XIII do Ủy ban TVQH tổ chức sáng 23/1, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đang hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt.

 

Về tình hình thực hiện Đề án triển khai thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị phục vụ thi hành án tử hình tại 5 cơ sở thi hành án tử hình ở Trại tạm giam thuộc Công an TP.Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Nghệ An và Đắk Lắk.

 

Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo tổ chức đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc công an 63 tỉnh, thành phố và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thi hành án trong quân đội.

 

“Hiện nay, số bị án tử hình chưa thi hành còn 532 đối tượng, nhưng do phải chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 82 mới có thuốc độc phục vụ việc thi hành án”, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết.

 

Nhiều tử tù mòn mỏi, căng thẳng chờ thuốc để được... chết
Nhiều tử tù mòn mỏi, căng thẳng chờ thuốc để được... chết

 

Liên quan đến việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc, trước đó nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ứng rất gay gắt.

 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã dẫn số liệu thống kê của ngành kiểm sát, đến nay còn 508 người bị kết án tử hình, án đã có hiệu lực vẫn không thi hành được. Trong số đó đã có 3 người chết do bệnh tật, 3 người tự sát. Thậm chí có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng.

 

Theo Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) những người bị tuyên án tử hình hiện không thi hành án được do không có nguồn thuốc độc để tiêm.

 

Do vậy cả nước đã xây dựng được nhiều nhà thi hành án tiêm thuốc độc, cũng đã huấn luyện hàng trăm cán bộ thi án. Chính phủ cũng xây dựng xong nghị định từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn không thể thực hiện quy định mới vì không tìm được nguồn cung ứng thuốc.

 

Việc chậm trễ này gây áp lực lớn cho trại giam, cho cán bộ quản chế cũng như với chính những người phạm tội, làm tăng áp lực nặng nề lên cả 2 phía – phía cơ quan giam giữ và phía tử tội.

 

Theo baodatviet

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN