Ý kiến chỉ đạo của vị nguyên thủ quốc gia xuất phát từ thực tế là các vụ xâm hại tính mạng, sức khỏe đối với trẻ em ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây đã gây nên sự bức xúc lớn trong dư luận. Đặc biệt nghiêm trọng là hai vụ xảy ra trong vòng chưa đầy một tháng – vụ bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" đánh tử vong (ngày 22/12/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh) và vụ bé gái 3 tuổi bị "bố dượng" bắn đinh vào đầu, đang hôn mê sâu, tiên lượng xấu (ngày 17/1/2022 tại Hà Nội).
Làm thế nào để nâng cao tính hiệu quả của Luật Trẻ em và hoạt động của các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ thơ đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội hiện nay.
Pháp luật đầy đủ, nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em
Hiến pháp nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em" (khoản 1, Điều 37).
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/11/2012 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới".
Hướng tới mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp - chính sách. Ngày 5/4/2016, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em tại kỳ họp thứ 11, khóa XIII và Luật có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Luật Trẻ em gồm 7 chương với 106 điều (tăng 2 chương và 46 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Theo Điều 1 của Luật, trẻ em là người dưới 16 tuổi, còn theo Điều 4, bảo vệ trẻ em là "việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt".
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, chỉ thị, quyết định về chính sách, chương trình đối với trẻ em và chính sách trợ giúp xã hội, trong đó có đối tượng là trẻ em.
Luật Trẻ em năm 2016 có 25 điều quy định về quyền của trẻ em, trong đó có Quyền sống (Điều 12); Quyền được chăm sóc sức khỏe (Điều 14); Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 15); Quyền được sống chung với cha, mẹ (Điều 22); Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ (Điều 23); Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục (Điều 25); Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động (Điều 26); Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (Điều 27); Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt (Điều 28); Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính (Điều 30); Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang (Điều 31); Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 32)…
Để các quyền của trẻ em được bảo đảm, Luật Trẻ em năm 2016 và Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (năm 2017) quy định, có 18 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức đảm nhiệm chức năng bảo vệ quyền trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Các cơ quan, tổ chức này gồm: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Chính phủ; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; các tổ chức xã hội; tổ chức kinh tế; tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; Quỹ Bảo trợ trẻ em; Ủy ban Quốc gia về trẻ em.
Theo chức năng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo thẩm quyền để thực hiện quyền trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; phân bổ ngân sách hằng năm để thực hiện quyền trẻ em.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trẻ em; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về trẻ em; bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương trong việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Tòa án nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để tiến hành xét xử hành vi vi phạm quyền trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, ra quyết định tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền.
Bộ Tư pháp bảo đảm việc bảo vệ trẻ em trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Bộ Y tế bảo đảm trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em trong nhà trường; xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi trẻ em.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo đảm trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư.
Bộ Công an hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em và tội phạm liên quan đến trẻ em.
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, phân bổ nguồn lực đáp ứng quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Quốc gia về trẻ em giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Cần cơ quan chuyên trách đủ mạnh và nâng cao hiệu lực pháp luật
Ở nước ta, nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ các quyền của trẻ em, song các đơn vị này cũng đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Một số cơ quan, đơn vị tham gia theo kiểu "đánh trống ghi tên" hoặc thiên về bề nổi, mang tính "phong trào", "chiến dịch".
Việc tuyên truyền về quyền trẻ em được tổ chức nhiều đợt, có quy mô lớn ở các địa phương nhưng kết quả không cao, nhận thức của người dân ít chuyển biến, nên vấn đề xâm hại trẻ em sa vào tình trạng "chống mạnh mà không giảm".
Khi xảy ra một vụ xâm hại trẻ em thì người nắm được thông tin lúng túng, không biết cần liên hệ với cơ quan, tổ chức nào để có kết quả nhanh nhất, bảo đảm nhất.
Mặc dù có nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin song chỉ rất ít cơ quan có thực quyền để xử lý vụ việc trẻ bị xâm hại, trong đó có đơn vị bảo vệ trẻ em thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội và ngành công an. Sau đó, ngành kiểm sát và tòa án vào cuộc khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng và phải xử lý hình sự.
Phần lớn các cơ quan khác không thể xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em mà chuyển thông tin lên cơ quan có thực quyền. Điều này gây nên sự chậm trễ, thiếu hiệu quả, tính nghiêm minh của pháp luật bị giảm sút.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), không phải ở Việt Nam pháp luật chưa đầy đủ hoặc thiếu nghiêm minh, mà do yếu tố con người nên nhiều khi việc áp dụng pháp luật chưa sát với thực tế, cách xử lý không triệt để, để lọt người, lọt tội. Thực tế gần đây cho thấy, có những vụ xâm hại trẻ em được xử lý hình sự nhưng chưa đủ tác dụng răn đe do hình phạt không tương xứng với hành vi.
Trong khi đó, để thực sự có hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị bạo hành, xâm hại thì cần giảm số lượng các đầu mối. Ít mà tinh, mang tính chuyên nghiệp là đòi hỏi của thực tiễn. Để thực thi chức năng bảo vệ trẻ em một cách thiết thực thì cần có một cơ quan chuyên trách đủ mạnh về quyền hạn và có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.
Theo Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tại Việt Nam có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, nhưng thiếu sự thống nhất trong giải thích một số định nghĩa, thuật ngữ và thiếu các quy định cụ thể.
Việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em còn phân tán, nhiều cơ quan, tổ chức cùng chịu trách nhiệm, nhưng luật chưa quy định cơ chế phối hợp nên công tác thực hiện kém hiệu quả.
Đội ngũ cộng tác viên cơ sở trong việc bảo vệ trẻ em thường là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn nghiệp vụ về công tác xã hội nên nhiều thông tin về trẻ em không được bao quát, nhiều vụ việc không được phát hiện sớm để ngăn chặn; chế độ chính sách không có hoặc rất ít.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cũng có ý kiến tương tự: "Cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống với các nhân viên chuyên trách. Không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo, mà cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ - những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ".
Tiến sỹ Lưu Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Khoa Xã hội học và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho biết: "Chúng ta đã từng đặt mục tiêu đào tạo bài bản 40.000 nhân viên công tác xã hội, nhưng chưa thực hiện được do chủ trương giảm biên chế trong cơ quan nhà nước. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đưa ra những biện pháp, chính sách để hệ thống nhân viên công tác xã hội làm việc trong nhà nước hoặc các tổ chức ngoài nhà nước như các tổ chức phi chính phủ, các chương trình theo tháng, năm… được phát huy vai trò".