Triệt phá nhiều đường dây chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam

Hiện nay tội phạm ma túy xuyên quốc gia đang là mối nguy hiểm cần phải ngăn chặn kịp thời. Chúng không chỉ buôn bán ở các tỉnh, thành miền núi nơi có đường biên giới giáp ranh với các nước trong khu vực, mà đã xâm nhập rất sâu vào nội địa, trải dài khắp cả nước.

Quyết tâm chặn đứng các đường dây ma túy xuyên quốc gia đang là mệnh lệnh tiên quyết của các lực lượng phòng chống ma túy các cấp.

Chặn đứng các vụ buôn bán ma túy lớn

Từ năm 2018, ngành công an đã triển khai những biện pháp quyết liệt ngăn chặn nguồn ma túy lớn từ nước ngoài chuyển về Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc, như Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Sau khi bị trấn áp mạnh, các đối tượng buôn bán ma túy chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam.

Chú thích ảnh
Ngày 9/7 lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Sỹ Tùng và Trần Văn Hưng quê ở tỉnh Nghệ An đang tàng trữ, vận chuyển trái phép 2 kg ma túy tổng hợp dạng đá, 10 bánh hêrôin, 65 thỏi thuốc nổ, 5 kíp nổ và 8 đoạn dây cháy chậm từ Nghệ An ra thành phố Thanh Hóa để tiêu thụ. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là là tội phạm buôn lậu, đánh bạc, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và đang có xu hướng gia tăng.  

Các đối tượng trong nước tìm cách móc nối với người nước ngoài sống tại Campuchia hình thành những đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia. Chúng triệt để lợi dụng sự đi lại, thông thương tiện lợi giữa hai nước cũng như những khó khăn, sơ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát để hoạt động mua bán, vận chuyện trái phép các chất ma túy từ khu vực “tam giác vàng” Thái Lan qua Campuchia, Lào sang Việt Nam rồi đưa đi nước thứ ba tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các đối tượng bị truy nã tìm cách sang Campuchia lẩn trốn và móc nối, hình thành các đường dây mua, bán, vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ. Gần đây có xu hướng các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng đá qua tuyến biên giới đưa về Việt Nam, sau đó được các đối tượng dập thành viên nén rồi đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam, một số tỉnh phía Bắc và tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ.  

Đáng chú ý là thời gian gần đây còn xuất hiện đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngụy trang là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… để móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong”, song thực chất là để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Địa bàn phức tạp về mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuất hiện gần đây là tại khu vực biên giới thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang của Việt Nam và 5 tỉnh Kampong Cham, Svay Rieng, Prey Veng, Ta Keo, Kampot của Campuchia.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) cho biết, đơn vị vừa bàn giao đối tượng Retty Gunawan, sinh năm 1966, quốc tịch Indonesia cho Công an tỉnh Tây Ninh để điều tra làm rõ hành vi vận chuyển khoảng 7kg Methamphetamine (ma túy dạng đá) từ Campuchia về Việt Nam.

Cụ thể, vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 5/7, tại máy soi luồng nhập cảnh Trạm Kiểm soát Liên hợp Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), các lực lượng Hải quan đã phát hiện 1 valy của khách nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam nghi vấn có chứa hàng hóa không khai báo Hải quan, nên lực lượng Hải quan tại luồng kiểm soát tiến hành cho kiểm tra theo quy định và đã  phát hiện ngoài ngăn chứa quần, áo, đồ dùng cá nhân, thì còn một ngăn phụ có chứa một bịch nylon quấn băng keo màu vàng và được quấn ngụy trang với nhiều lớp giấy bạc và nylon màu đen chứa tinh thể rắn màu trắng có khối lượng khoảng 7kg, qua test nhanh xác định là Methamphetamine. Đối tượng Retty Gunawan khai nhận số tinh thể màu trắng là ma túy dạng đá.

Chú thích ảnh
Trong hai ngày 25 - 26/6/2019, lực lượng phòng, chống ma túy Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra 7 bưu kiện nhập khẩu, phát hiện và bắt giữ hơn 14kg ma túy tổng hợp gồm MDMA (thuốc lắc) và Ketamine. Các bưu kiện được gửi từ Pháp, Đức, Thái Lan về Thành phố Hồ Chí Minh thông qua dịch vụ bưu chính quốc tế và chuyển phát nhanh, núp bóng dưới dạng quà biếu cá nhân phi mậu dịch. Ảnh: TTXVN

Trả lời các đại biểu Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng: Bộ Công an đã tập trung trấn áp số đối tượng nguy hiểm cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

“Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, ngành công an hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới”, Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm khẳng định.

Theo Bộ Công an, mặc dù số vụ bắt giữ 5 tháng đầu năm 2019 giảm 12,66% so với cùng kỳ 2018, nhưng lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục so với từ trước đến nay. Đặc biệt, ngành công an  đã liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn. Điển hình như vụ bắt giữ 278 kg ma túy tổng hợp ngày 17/2 tại Hà Tĩnh; 3 vụ bắt giữ 300kg ma túy tổng hợp, 895 bánh heroin, 1.030 kg ma túy tổng hợp vào các ngày 20, 27/3 và 12/4 tại TP. Hồ Chí Minh. Các vụ bắt giữ 600 kg ma túy tổng hợp, 100 bánh heroin và 700 kg ma túy tổng hợp vào các ngày 15 và 17/4, tại Nghệ An. Vụ bắt giữ hơn 500 kg ketamin ngày 11/5 tại TP. Hồ Chí Minh; vụ bắt giữ 119 kg cocain tại Tiền Giang...

Quá trình  đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho thấy, hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, các đường dây chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng tại Mianma, Lào, Thái Lan, Philippin và các đối tượng trong nước đưa ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, Thái Lan vào Việt Nam để đi nước thứ 3 tiêu thụ.  

Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng vỏ bọc là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng hàng hóa ở Việt Nam để ngụy trang việc tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy; lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa để vận chuyển ma túy. Đáng lưu ý, phát hiện việc vận chuyển Côcain từ khu vực Nam Mỹ qua Việt Nam để đi nước thứ 3.

Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ diễn ra phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, các địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An... Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mà túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn, gắn liền với tàng trữ vũ khí nóng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.  

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, đặc điểm ở Nghệ An là ma túy sản xuất tại địa phương không có, mà chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài vào. Trước thực tế này, Công an Nghệ An đề xuất cần tăng cường hơn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới một cách căn cơ, hiệu quả hơn. 

Đáng lưu ý, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng đã  phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển ma túy qua đường bưu điện vào Việt Nam. Mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, ma túy tổng hợp đang dần thay thế heroin, trở thành loại ma túy được sử dụng chính trong nước. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới, dạng mới của ma túy thu hút giới trẻ sử dụng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gây ảo giác (“ngáo đá”) không kiểm soát được nhận thức, hành vi, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây lo lắng cho nhân dân.  

Quyết tâm trấn áp tội phạm ma túy

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong thời gian tới, Bộ Công an đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới để tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Đồng thời, Bộ Công an  tham mưu đề xuất Quốc hội sửa Luật phòng, chống ma túy; tăng cường tuyên truyền; rà soát, phân loại người nghiện để đề xuất đưa đi cai nghiện bắt buộc; tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy.

Chú thích ảnh
Ngày 26/6/2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La tổ chức tiêu hủy vật chứng, tài sản của 15 vụ án. Số tang vật tiêu hủy gồm 2,296kg heroin, 1,007kg ma túy, 14,916kg methamphetamine, cùng nhiều tang vật khác. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, “dù đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ ma tuý lớn chưa từng có nhưng chúng tôi đánh giá nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn, đòi hỏi sự đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Nhu cầu ở trong nước vẫn đang tiếp tục. Vừa qua, chúng ta xử lý hàng tấn ma tuý như vậy nhưng nguồn cung từ nước ngoài vào cũng chưa được ngăn chặn”.

Quyết tâm chính trị của Đảng, nhà nước, nhân dân là đấu tranh quyết liệt đối với tội phạm ma túy, trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chặn nguồn cung và giảm nguồn cầu trong nước với tội phạm ma túy. Tăng cường nguồn lực, sự phối hợp giữa các lực lượng về phòng chống ma túy.  

Theo người đứng đầu Bộ Công an, khi chúng ta ngăn chặn tích cực nguồn cung từ nước ngoài vào thì trong nước, giá cả ma tuý sẽ có biến động. Dự báo nguồn cung từ nước ngoài vào vẫn có diễn biến phức tạp, áp lực ma tuý từ bên ngoài rất lớn.

“Chúng ta có khó khăn nữa là đường biên giới dài, khiến việc kiểm soát đang có khó khăn. Chúng ta mới kiểm soát được trên các cửa khẩu, còn các lối mòn, các đường khác, tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma tuý, kể cả trên đất liền và trên biển. Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ xây dựng một kế hoạch tổng thể, phối hợp với Lào mở cao điểm trấn áp tội phạm ma tuý. Chúng tôi có kế hoạch mời các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế tới Việt Nam bàn thống nhất kế hoạch đấu tranh phòng, chống ma tuý vận chuyển qua Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Song, Bộ trưởng Bộ Công an cũng chỉ ra những thách thức lớn trong đấu tranh phòng, chống ma túy xuyên quốc gia. Người đứng đầu ngành công an cho rằng, chúng ta đang ở rất gần trong vòng xoáy trung tâm lớn thứ hai về ma túy của thế giới. Bên cạnh đó, do nguồn cung rất lớn trong khi số người nghiện ma túy tiếp tục tăng nên nhu cầu của các đối tượng sử dụng ma túy cũng ngày một gia tăng, đây là thách thức rất lớn.  

Ngoài ra còn có một khó khăn khác, đó là sự vướng mắc về pháp luật như việc đơn giản hóa các thủ tục đưa người vào cơ sở cai nghiện, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, vấn đề hướng dẫn áp dụng một số vấn đề về Luật phòng chống ma túy, Bộ luật Hình sự... Tội phạm về sử dụng ma túy theo Điều 199 của Bộ Luật hình sự trước đây, nay đã được bỏ ra ngoài nên những người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự.  

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngành công an tiếp tục kiến nghị với các ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên các lĩnh vực, nhất là quản lý biên giới, cửa khẩu…; tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng nhằm tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của người dân. “Ở đâu người dân vào cuộc thì ở đó cuộc đấu tranh với tội phạm ma tuý sẽ đạt kết quả tốt, để chúng ta không trở thành địa bàn trung chuyển ma túy trên thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Năm 2018, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ số lượng ma túy tăng 10,53% về số vụ, 10,59% số đối tượng; lượng heroin thu giữ tăng 102,52%, ma túy tổng hợp thu được tăng 125,14% so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã phát hiện 10.246 vụ, 11.731 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 301,31kg hêrôin, 3.272,20 kg và 437.334 viên ma túy tổng hợp, 259,61 kg cần sa.

 

Viết Tôn/Báo Tin tức
Hải Dương: Khởi tố hai đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tại quán Bar-Karaoke Ruby One
Hải Dương: Khởi tố hai đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tại quán Bar-Karaoke Ruby One

Ngày 13/7, tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng gồm Nguyên Xuân Nhất (sinh năm 1998, ở xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương) và Nguyễn Văn Định (sinh năm 1990, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) để điều tra về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN