Trị tận gốc nạn cướp giật

Tình trạng cướp giật xảy ra liên tục tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây khiến người dân vô cùng lo lắng. Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính “bùng nổ” nạn cướp giật là do việc quản lý người nghiện tại cộng đồng không tốt, các đối tượng sau cai nghiện tại cộng đồng nhanh chóng tái nghiện và trở thành những đối tượng phạm tội liều lĩnh…

Thủ đoạn ngày càng liều lĩnh

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có tới 98 băng nhóm tội phạm hoạt động và chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng đã khám phá hơn 3 nghìn vụ phạm pháp hình sự, bắt gần 4.000 người. Từ những vụ cướp giật gần đây trên địa bàn cho thấy, phần lớn các đối tượng gây án đều là người nghiện. Các đối tượng này thường đổ ra đường cướp giật táo tợn khi “vã hàng”, bất chấp địa bàn, bất chấp thời điểm. Hầu hết các đối tượng đều có tiền án, tiền sự và nghiện ma túy nặng.

Bắt 1 đối tượng trộm tivi trên đường (ảnh do cơ quan chức năng cung cấp).


Vụ cướp dây chuyền ngay trên địa bàn quận 1 mới đây là một ví dụ. Đối tượng dùng xe máy giật một sợi dây chuyền 3 chỉ vàng của người đi đường. Trong khi bị truy đuổi, đối tượng này đã rút một ống tiêm dính đầy máu ra uy hiếp. Khi bị bắt về đến Công an phường Cô Giang (quận 1), đối tượng này lên cơn co giật, sùi bọt mép. Theo Công an phường Cô Giang, đối tượng này là Tài “ke”, nghiện hêrôin lâu năm và có nhiều tiền án về trộm cướp.

Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc:

Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng một xã hội an toàn, môi trường an toàn cho khách du lịch, nhà đầu tư. Các cấp ủy phải vào cuộc, xem chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Phải xử lý nghiêm cán bộ công chức làm ngơ, bao che tiêu cực, thường xuyên luân chuyển ở các vị trí nhạy cảm. Mở cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm từ nay tới Tết Nguyên đán 2015, tập trung chống các băng nhóm tội phạm và phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực về phòng chống tội phạm.

Trung tá Nguyễn Lê Hùng, Đội trưởng CSHS đặc nhiệm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CA TP Hồ Chí Minh:

Người dân bị cướp giật trên đường thì cố gắng để ý đến biển số xe, đặc điểm xe, hình dạng bọn cướp, thời gian và địa điểm bị cướp, sau đó đến trình báo cơ quan công an nơi gần nhất. Nếu đang đi trên đường, cần thiết phải nghe hoặc gọi điện thoại nên tấp xe lên lề đường, quan sát thật kỹ để xem có ai đi theo hay không. Các loại tài sản có giá trị nên cho vào cốp xe, các tài sản có giá trị lớn không nên mang ra ngoài đường vào ban đêm để tránh bị cướp bất ngờ. Khi phát hiện thấy những đối tượng khả nghi, đang đeo bám nên báo ngay cho cơ quan công an khu vực, hoặc lực lượng phản ứng nhanh 113.

Thiếu tá Đỗ Thế Chính, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 1:

Ngoài các thủ đoạn cũ, như đối tượng cướp giật sử dụng xe phân khối lớn để áp sát nạn nhân, giật tài sản rồi bỏ chạy hoặc chặn đầu xe nạn nhân trong đêm khuya để cướp giật, thời gian gần đây bọn tội phạm có nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi, táo tợn nhằm vào các du khách ở khu vực trung tâm. Muốn đẩy lùi nạn cướp giật đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải có sự tham gia phối hợp giữa lực lượng công an và người dân. Bên cạnh tăng cường tuần tra của các trinh sát đặc nhiệm trên đường phố, những tin báo của người dân khi thấy những đối tượng khả nghi là rất hữu ích cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Tình trạng người nghiện gây án, cướp giật khi lên cơn ghiền thuốc diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố, thủ đoạn ngày càng liều lĩnh, nên rất khó đối phó. Chúng thường dùng kim tiêm dính máu để uy hiếp người truy đuổi và sẵn sàng chống cự, thậm chí gây án mạng để thoát thân.

“Con mồi” mà các đối tượng này hướng đến thường là những người vừa đi xe máy vừa nghe điện thoại, mang trang sức, túi xách hớ hênh, những người nước ngoài… Không chỉ mất của, nhiều nạn nhân khi bị cướp giật đã bị ngã xuống đường, gây tai nạn tử vong.

Điển hình là vụ cướp gần đây, xảy ra trên đường Trần Não, quận 2. Hai nạn nhân đi xe máy, đoạn vừa qua cầu Sài Gòn rẽ vào đường Trần Não thuộc phường Bình An, thì bất ngờ bị 2 đối tượng đi trên một xe gắn máy chạy ép sát, giật túi xách. Nạn nhân bị ngã đập đầu xuống đường, và tử vong sau đó. Tương tự, chị V.T.N.L ở quận Bình Tân, điều khiển xe máy đi làm, đến đoạn giao cắt Tân Khai - Hương lộ 2 thì bị 2 thanh niên đi xe máy ép sát, giật túi xách đang đeo. Dù bất ngờ nhưng nạn nhân vẫn giữ lại được túi xách, tuy nhiên, cú giật mạnh đã khiến nạn nhân bị ngã xuống đường và một chiếc taxi 7 chỗ từ phía sau lao đến đâm trực diện, dẫn đến tử vong.

Những vụ cướp xảy ra liên tục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ đối với người dân và là nỗi bức xúc của chính quyền.

Kiên quyết trấn áp

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, việc đối phó với nạn cướp giật tại TP Hồ Chí Minh, xét một cách căn cơ chính là giải quyết một cách hiệu quả việc quản lý người nghiện trên địa bàn. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết đưa người đi cai nghiện bắt buộc, TP Hồ Chí Minh đã triển khai công tác chuẩn bị tiếp nhận quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào các trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội trong thời gian lập hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lãnh đạo UBND thành phố khẳng định sẽ cố gắng hoàn tất công tác này trước ngày 20 tháng Chạp để người dân đón Tết bình yên.

Để trấn áp tội phạm cướp giật, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung lực lượng cảnh sát hình sự, cơ động, giao thông và cả dân phòng địa phương, tăng cường tuần tra kiểm soát, chốt chặn tại những khu vực “nóng” như quốc lộ, vùng ven, khu công nghiệp, đoạn đường tối, vắng và các tuyến đường trung tâm thành phố thường xuyên có người nước ngoài lưu trú và du lịch. Lực lượng cảnh sát quản lý hành chính cũng tăng cường công tác quản lý địa bàn, để phát hiện những nơi ẩn náu của tội phạm, cũng như nơi tiêu thụ tài sản phi pháp từ cướp giật.

Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống camera của Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố và camera điều khiển giao thông. Những camera này được sử dụng để quan sát, theo dõi đối tượng nghi vấn và thông tin ngay cho lực lượng chức năng chốt chặn gần đó. Đây là hệ thống camera đa nhiệm, ghi nhận tất cả hình ảnh hoạt động trên đường phố. Dữ liệu sẽ kết nối về trung tâm điều khiển, giám sát đặt tại Công an quận để hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành giao thông, phòng chống tội phạm, cướp giật.

Lê Hiền
Chuẩn bị đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm
Chuẩn bị đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm

Để kịp thời thực hiện việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các trung tâm tiếp nhận trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN