Hiện nay, ở các chợ tạm trên địa bàn Đồng Nai, gia cầm vẫn được giết mổ, bày bán công khai mà không có sự kiểm tra, kiểm soát nào. Tại một số phường ở thành phố Biên Hòa, ban đêm hàng chục lò mổ lợn lậu vẫn hoạt động. Chính những điểm buôn bán gia cầm, lò lợn lậu này gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ở con đường trước Chợ Chiều, thuộc ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom có đến 4 điểm bán gà vịt. Những người bán hàng ở đây hàng ngày vẫn vô tư giết mổ, bày bán gia cầm. Theo những người bán hàng, gà vịt mà họ bày bán được lấy từ những điểm chăn nuôi tập trung và mỗi ngày bán cả trăm con gia cầm các loại.
Đi qua các tuyến đường từ thành phố Biên Hòa về 2 huyện Vĩnh Cửu và Long Thành như Đồng Khởi, quốc lộ 15 và nhiều tuyến đường nội ô ở các phường An Bình, Trảng Dài, Tân Phong… dễ dàng bắt gặp hàng chục điểm bày bán gia cầm ngay bên lề đường nhộn nhịp người mua. Điều đáng nói, những người bán gia cầm ở đây có sẵn nồi, bếp và các vật dụng khác nhằm phục vụ cho việc giết mổ tại chỗ khi khách mua có yêu cầu. Khi giết mổ xong, lông, nội tạng gia cầm bỏ đi được người bán vứt lăn lóc bên đường, gây mùi hôi thối nồng nặc.
Không chỉ có các điểm bày bán, giết mổ gia cầm không phép mọc tràn lan, tại thành phố Biên Hòa, tình trạng giết mổ lợn lậu cũng đang diễn ra khá phổ biến. Theo tìm hiểu của phóng viên và phản ánh của người dân, tại các phường như Trảng Dài, Long Bình (Biên Hòa) có rất nhiều điểm giết mổ lợn. Tại đây, có gia đình mỗi đêm giết cả chục con lợn trong điều kiện vệ sinh không được đảm bảo. Số lợn này, gần sáng được vận chuyển bằng xe máy vào chợ đêm đầu mối thịt lợn Tam Hòa. Khi thịt vào được chợ rồi, các tiểu thương nơi đây cắt nhỏ ra trà trộn với thịt lợn đã qua kiểm dịch và bày bán công khai.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn, Trạm Trưởng trạm thú y thành phố Biên Hòa cho biết, tình trạng giết mổ gia cầm bên đường đã xảy ra lâu nay ở nhiều phường trong thành phố khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, đặc biệt là cúm gia cầm. Trạm thú y Biên Hòa đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương ra quân xóa sổ những điểm bày bán này nhưng hiện nay lại hoạt động trở lại. Trong tuần vừa qua, thực hiện chỉ đạo của thành phố nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch cúm gia cầm, Trạm đã ra quân xử lý các điểm buôn bán gia súc, gia cầm không phép. Qua đó, đã tịch thu và tiêu hủy gần 200 con gia cầm (gà, vịt). Về việc không thể xử phạt các chủ kinh doanh gia cầm hai bên đường, ông Sơn cho biết: Khi thấy đoàn kiểm tra, các đối tượng trên lập tức bỏ chạy. Hiện Trạm thú y Biên Hòa đã xác định được điểm tập kết số lượng lớn gia súc, gia cầm ở phường Trảng Dài, sắp tới trạm sẽ phối hợp cùng chính quyền tại đây tiến hành kiểm tra. Với những điểm giết mổ lợn lậu cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, tỉnh hiện có 231 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 108 cơ sở đủ điều kiện an toàn - vệ sinh để hoạt động, 70 cơ sở còn phải khắc phục một số tiêu chuẩn và 53 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, lãnh đạo sở cho biết, rất khó quản lý những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, bởi đây là những cơ sở tự phát của những hộ gia đình, lượng gia súc gia cầm giết mổ hàng ngày tại mỗi cơ sở không nhiều, nhưng tổng khối lượng thực phẩm của những cơ sở này đưa ra thị trường hàng ngày là không nhỏ. Trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, ngành đã tiến hành kiểm tra 53 cơ sở chưa đủ điều kiện hoạt động, nhưng chỉ có 15 cơ sở khắc phục.
Công Phong