Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979; trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy), về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy - PCCC" theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự (BLHS).
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 14/9, luật sư Phạm Văn Hiến - Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Việc Cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nghiêm Quang Minh - chủ chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy làm 56 người chết, là hoạt động tố tụng nhanh chóng, cần thiết để các cơ quan tố tụng có thể tiến hành ngay các hoạt động điều tra làm rõ các dấu hiệu của tội phạm.
Từ đó, xác định trách nhiệm của các bên liên quan, trước hết là trách nhiệm của chủ tòa nhà đối với hậu quả đã xảy ra; đồng thời, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa cho xã hội, tránh xảy ra những sự việc tương tự".
Theo luật sư Phạm Văn Hiến, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ cơ sở xác định chủ tòa nhà vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ gây ra hậu quả cho xã hội, tùy theo tính chất mức độ của hậu quả mà có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về PCCC theo quy định tại Điều 313 Bộ BLHS năm 2015”.
Khung hình phạt cao nhất của tội danh này lên tới 12 năm tù và người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm sau khi chấp hành xong bản án.
Vụ cháy "chung cư mini" tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vừa qua là nỗi ám ảnh của nhiều người dân và rất nhiều câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của chính quyền địa phương và ý thức PCCC của người dân nói chung.
“Để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này, chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Đó là công tác kiểm tra, giám sát việc thi công, xây dựng và xử lý vi phạm của chủ đầu tư; công tác kiểm tra, nghiệm thu và duy trì các điều kiện đảm bảo phòng chống cháy nổ tại khu dân cư đối với tòa nhà khi đi vào sử dụng; hoạt động tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật về PCCC và tập huấn định kỳ cho cư dân sinh sống tại tòa nhà, khu dân cư…”, luật sư Phạm Văn Hiến nhấn mạnh.
Những năm gần đây, mặc dù ý thức của người dân về PCCC đã từng bước được nâng cao, nhưng vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chủ quan, thiếu ý thức, thiếu cả kiến thức về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại nơi ở và khu dân cư.
"Thời gian tới, song song với việc vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, từng người dân phải tự cập nhật, nâng cao các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn; trang bị tại nhà các công cụ, phương tiện PCCC tại chỗ để xử lý các tình huống khẩn cấp, tránh xảy ra những sự việc đau lòng tương tự hoặc hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra", đại diện Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự cho biết.
Theo Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, đây là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản và đã có thiệt hại về người, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của chủ nhà trong việc đảm bảo an toàn PCCC để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ đây là chung cư mini hay là phòng trọ? Nếu là 'chung cư mini', việc cấp phép, phê duyệt về PCCC được triển khai ra sao? Ttrường hợp là phòng trọ, kinh doanh cho thuê nhà ở với số tầng, số phòng lớn, việc thiết kế có đảm bảo an toàn về PCCC?, có được cơ quan chính quyền thẩm quyền phê duyệt hay chưa?", luật sư Đặng Văn Cường nêu câu hỏi.
Theo quy định pháp luật, nhà chung cư, kể cả 'chung cư mini' và các tòa nhà kinh doanh phòng trọ cho thuê đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn kĩ thuật an toàn về PCCC, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt về điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình vận hành tòa nhà cũng cần phải đảm bảo an toàn về PCCC.
"Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra rà soát hoạt động cho thuê nhà ở, thuê phòng trọ và đặc biệt là với các 'chung cư mini' không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, ở khu vực đông dân cư để tránh những vụ hỏa hoạn tương tự có thể xảy ra", luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Điều 313. Tội vi phạm quy định về PCCC:
Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
-Làm chết 03 người trở lên; -Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.