TP.HCM:Thu hồi đất sử dụng sai mục đích,lực bất tòng tâm?

TP Hồ Chí Minh đã thành lập hẳn một Ban chỉ đạo với hàng chục đợt thanh tra, khảo sát từ nhiều năm nay và những nhà xưởng, kho bãi bỏ trống đã được “điểm mặt”, nhiều văn bản đề nghị thu hồi, chuyển đổi công năng, nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn không đáng kể.

Có quyết định thu hồi cũng... bất lực

Thực hiện Quyết định 09/2007 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, Ban chỉ đạo 09 đã thực hiện việc khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sử dụng nhà đất công trên địa bàn TP.HCM. Theo Sở Tài chính TP.HCM, hiện nay, tổng số địa chỉ nhà đất công thuộc sự quản lý của UBND TP.HCM và các bộ, ngành trung ương là 10.535 địa chỉ, với tổng diện tích là trên 232,5 triệu m2.

Trong số này, nhiều diện tích đã được các đơn vị sử dụng sai mục đích, tuy nhiên việc thực hiện các quyết định thu hồi diện tích sử dụng sai mục đích này lại cực kỳ gian nan.


Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, trong số 207 địa chỉ (diện tích trên 623.000 m2) có quyết định thu hồi, sau nhiều năm Bộ Tài chính và UBND TP mới chỉ thu hồi được 141 địa chỉ (với diện tích trên 323.000 m2), vẫn còn khoảng 66 địa chỉ chưa thu hồi được.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện thu hồi không đạt kết quả. Theo ngành chức năng thì vấn đề cốt lõi là việc xử lý chưa nghiêm dẫn đến đơn vị là chủ của các khu đất trên vẫn “bình chân như vại”.


Điển hình của việc trì trệ này là từ đầu năm đến nay tại quận 8, qua kiểm tra, địa phương này phát hiện 33/77 kho bãi thuộc sở hữu nhà nước do các tổ chức, đơn vị quản lý nhưng đã cho thuê lại, bỏ trống… UBND TP.HCM đã cho phép UBND quận 8 thu hồi những địa chỉ nhà đất này để xây dựng các công trình công cộng hoặc bán đấu giá để lấy tiền đầu tư hạ tầng.

Quận 8 đang thiếu đất trầm trọng cho tái định cư, xây dựng trường học, công viên... nhưng hàng chục kho bãi vẫn đang bị các doanh nghiệp chiếm dụng, bỏ hoang một cách lãng phí.


Thế nhưng, đối với quận 8, để “lấy” được 1 khu đất của doanh nghiệp nêu trên dường như vượt ngoài “tầm với” của họ. Theo UBND quận 8, việc thu hồi này đang gặp rất nhiều khó khăn vì thuộc sự quản lý của các cơ quan trung ương.


Điển hình là khu đất 15 Lương Ngọc Quyến (phường 15, quận 8), mặc dù thành phố cho phép quận thu hồi để xây trường mầm non từ năm 2004, nhưng đến nay quận mới chỉ tiếp nhận được một phần nhỏ khu đất.


Hai khu đất vốn là mặt bằng kho 281 Bến Bình Đông (phường 11) và 641 Bến Bình Đông (phường 13) cũng đã được quy hoạch để xây dựng trường Tiểu học Lý Thái Tổ và trường PTTH phường 13 nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở khoan địa chất vì các đơn vị quận không chịu bàn giao.

Vì sao khó thu hồi?

Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND quận 8 cho rằng, do những quyền lợi về kinh tế trong việc cho thuê những mặt bằng quá lớn nên một số tổ chức vẫn không chấp hành những quy định trong quản lý và sử dụng đất, dẫn đến sử dụng sai mục đích phục vụ lợi ích doanh nghiệp. Trong khi đó, việc kiểm tra chỉ mang tính nhắc nhở mà không tiến hành xử lý hành vi vi phạm của các đơn vị sai phạm.


Theo ông Chung, những đơn vị nhà nước được quản lý, sử dụng nhà xưởng, kho bãi lại không chịu phối hợp trong công tác kiểm tra, không cung cấp các văn bản pháp lý liên quan đến việc sử dụng đất gây khó khăn cho các đoàn kiểm tra.

Một thành viên của Ban chỉ đạo 09 cũng cho rằng việc thu hồi các địa chỉ nhà đất công thuộc khối thành phố thì dễ, còn khối trung ương thì rất khó khăn, vì phải có ý kiến của Bộ Tài chính và bộ chủ quản.

Nói về lãng phí đất công, kho bãi, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM, bức xúc: “Kho bãi lãng phí đang là một thực trạng gây bức xúc dư luận. Chính quyền không thể thiếu trách nhiệm, để cho một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng cơ chế của Nhà nước để làm lợi cho riêng mình. Quy định đã có, từ


Nghị định 80, rồi sau này là Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ nhưng do các cơ quan chức năng thực hiện thiếu kiên quyết nên mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, các “nhóm lợi ích” vẫn nêu lên nhiều lý do để kiến nghị xin giữ lại các kho bãi này, nhưng sau đó lại cho thuê mướn trái phép, hoặc để hoang phế, rồi biến hóa thành các khu nhà ở”.

Đề xuất phương án chống lãng phí, kho bãi bỏ trống, ông Đặng Văn Khoa cho rằng chỉ cần áp giá cho thuê của các khu đất này theo giá thị trường; một khi không còn giá thuê ưu đãi, chắc chắn những doanh nghiệp nào chịu không nổi phải từ bỏ.

Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN