Trong buổi tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen” được tổ chức ngày 20/1 tại TP Hồ Chí Minh, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây các hoạt động cho vay lãi nặng, "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, thường liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật như: bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, thậm chí giết người…
Đáng chú ý, "tín dụng đen" hoạt động thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để chiêu dụ các “con mồi” như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt… nhằm đối phó với cơ quan công an, gây tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, nổi lên các băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng tại những nơi đông dân cư, chợ, bến tàu, bến xe...
“Các nhóm đối tượng chuyên cho vay lãi nặng thường núp bóng doanh nghiệp (công ty, doanh nghiệp tư vấn cho thuê tài chính, công ty bảo vệ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại, cho thuê xe) được tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, thậm chí một số đối tượng trốn truy nã", Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng nói.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay hoạt động "tín dụng đen" vi phạm hoạt động kinh tế cho vay, lãi suất "trên trời"; quan hệ vay mượn mang tính chất áp đặt, chụp giật, lừa đảo… Việc đòi nợ cũng dẫn đến nhiều chuyện đau lòng, gây nhiều hệ luỵ xã hội, nhiều gia đình tan nát… Vì vậy, Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước, truyền thông… cũng đã cùng vào cuộc với nhiều giải pháp quyết liệt để "tín dụng đen" không còn lộng hành. Điển hình, Bộ Công an rất tích cực trong việc trấn áp "tín dụng đen"; Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính thức nhằm kéo giảm tình trạng vay vốn từ "tín dụng đen"...
Vì vậy, theo ông Đào Minh Tú, để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ "tín dụng đen", ngành ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn, đây là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng cơ chế chính sách cho việc mở rộng tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, chính người dân cũng cần vào cuộc để đẩy lùi vấn nạn này. Đặc biệt, trấn áp vi phạm đối với "tín dụng đen" phải được coi trọng trong các giải pháp của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát và cả chính quyền địa phương, các cấp, ngành…
“Đối với những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân như đi khám chữa bệnh, học hành… các ngân hàng cần tạo điều kiện tiếp cận tối đa về tín dụng. Không chỉ các Ngân hàng thương mại, cả Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tài chính vi mô… cũng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa với những chương trình cho vay đặc thù nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc và tuân thủ pháp luật, không để xảy ra rủi ro nợ xấu", ông Đào Minh Tú cho biết thêm.