Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, các trang Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok đang ngày càng trở thành phương tiện thông tin mạng phổ biến, được nhiều người sử dụng để truy cập thông tin, bán hàng... Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để tổ chức các hành vi vi phạm pháp luật như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật; buôn bán hàng giả, hàng cấm…
Đặc biệt, có một số vụ án xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, các đối tượng hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn và có hành vi cố ý gây thương tích, giết người, gây rối nơi công cộng… Trước tình hình trên, từ năm 2021, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã tham mưu với Bộ Công an về đề xuất thành lập Phòng An ninh mạng và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, thời gian tới Công an TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung lập án, đấu tranh, xử lý nghiêm các vụ việc có tính chất tội phạm trên mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn các đối tượng vi phạm.
Ngành Công an Thành phố sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong xác minh người lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật, tung tin giả, chia sẻ thông tin sai sự thật. Mặt khác, các đơn vị đã nhận được chỉ đạo nắm chắc tình hình không gian mạng bằng nghiệp vụ của ngành công an. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được đẩy mạnh trên mạng xã hội.
Về lâu dài, Công an TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhằm phối hợp nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc rà soát, kiểm tra, nắm tình hình trên mạng xã hội. Trong đó, Công an TP Hồ Chí Minh mong muốn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có thể hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ công an có trình độ công nghệ thông tin cao.
"Vừa qua, một số vụ việc vi phạm trên không gian mạng đã bị công an xử lý và được báo chí, dư luận quan tâm. Với các giải pháp đã đề ra, đơn vị sẽ chủ động hơn trong xử lý các tình huống, vụ việc vi phạm pháp luật trên mạng xã hội", ông Lê Mạnh Hà cho biết thêm.