Hoạt động "tín dụng đen” đã kéo theo hàng loạt những bức xúc, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư bởi mức lãi suất “cắt cổ” và đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” dùng vũ lực ép người vay phải trả, thêm vào đó là sự tranh giành địa bàn hoạt động giữa các băng nhóm... gây mất an ninh trật tự.
Điển hình, vào đầu tháng 7/2017, Nguyễn Minh Toàn, sinh năm 1991, trú thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã bị đối thủ truy sát dẫn đến tử vong vì khúc mắc về chuyện vay nợ tiền bạc ở một hiệu cầm đồ tại địa bàn. Vụ việc này khiến nhiều người dân nơi xảy ra vụ án mạng hoang mang, lo ngại.
Trước đó, đêm 30/3/2017, trên địa bàn xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc xảy ra vụ án hình sự nghiêm trọng. Tạ Văn Thuần, sinh năm 1990, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc dùng dao tấn công gây thương tích nặng cho anh Vũ Xuân Thời, sinh năm 1987, xã Tam Hồng. Vụ án có nguyên nhân từ việc Tạ Văn Thuần nợ tiền anh Vũ Xuân Thời. Do chưa có tiền trả nợ, Thuần đến quán điện tử của anh Thời định xin khất nợ và giữa hai người xảy ra xô xát, Thuần cầm dao đuổi chém anh Thời.
Vụ án nghiêm trọng cũng liên quan đến "tín dụng đen" nữa là trường hợp Phạm Văn Chiến, sinh năm 1982, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên vay nợ ở Hiệu cầm đồ Tùng Dũng, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên do Phùng Đức Nam, sinh năm 1988, xã Kim Long, huyện Tam Dương làm chủ. Ngày 31/3/2017, Nam cùng với Đỗ Ngọc Việt, sinh năm 1993, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên và Nguyễn Văn Ngà, sinh năm 1995, xã Thanh Vân huyện Tam Dương đi tìm anh Chiến đòi nợ. Quá trình đòi nợ xảy ra mâu thuẫn, anh Chiến bị nhóm của Nam dùng súng bắn tử vong…
Trên đây chỉ là một số vụ việc phức tạp liên quan đến vay tiền bạc, mâu thuẫn tranh giành địa bàn tại Vĩnh Phúc. Thực tế, sự việc xảy ra rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nhất là những khu đô thị, khu dân cư tập trung, gần khu công nghiệp. Riêng năm 2018, cơ quan điều tra các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết 25 vụ án hình sự liên quan đến hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen”, trong đó có 3 vụ giết người, 7 vụ cố ý gây thương tích với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, những mối quan hệ tài chính phức tạp đang là ngọn nguồn của nhiều câu chuyện đau lòng. Có vụ vì mắc nợ quá nhiều, con nợ chủ động tìm cách hại chủ nợ. Có vụ vì đi đòi tiền nợ, con nợ và chủ nợ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 442 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Trong đó, có 340 cơ sở được cấp phép hoạt động. Số cơ sở có biểu hiện vi phạm pháp luật như: cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản, móc nối với các đối tượng hình sự trong và ngoài địa bàn hoạt động phạm tội như sử dụng hung khí nguy hiểm để đòi nợ, siết nợ, giải quyết mẫu thuẫn... có dấu hiệu gia tăng.
Bản chất của “tín dụng đen” là cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, lãi suất cao hơn nhiều so với quy định của pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” là do việc cầm cố hoặc không cần cầm cố nhưng vẫn được vay dễ dàng và khi vay không lường trước được khoản tiền lãi phát sinh dẫn đến nhiều người vay lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đối tượng cho vay đa dạng, có băng nhóm được tổ chức chặt chẽ, tập hợp được nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác với con nợ...
Để khắp phục những tình trạng "tín dụng đen", Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổ chức hội nghị thống nhất biện pháp xử lý đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen”. Các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; các thủ đoạn lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hệ lụy nghiêm trọng của tội phạm "tín dụng đen"...
Tinh Vĩnh Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh giám sát và chỉ đạo các ngân hàng có chính sách tín dụng hợp lý, thủ tục đơn giản để người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay . Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, tiếp nhận và giải quyết các tin báo tố giác về tội phạm liên quan đến tín dụng đen; tập trung lực lượng điều tra, khám phá nhanh các vụ án liên quan.
Các ngành chức năng cần siết chặt hoạt động quảng cáo, rao vặt, quản lý sim điện thoại; quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh cầm đồ, cho vay hỗ trợ tài chính.