Tập trung thanh tra, kiểm tra pháp luật về đất đai, môi trường và khoáng sản

Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực giảm thiểu các sai phạm trong những lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản… Trước thềm năm mới 2015, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Quang (ảnh), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những kết quả đạt được trong năm 2014.




Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững đất nước. Xin Bộ trưởng đánh giá kết quả nổi bật trong năm 2014?


Năm 2014 là năm tương đối thành công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để lại dấu ấn quan trọng trên các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là việc xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật góp phần giảm thiểu các sai phạm trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản…

Luật Đất đai chính thức có hiệu lực từ 1/7/2014, cùng với Luật Đất đai, các văn bản dưới luật để triển khai là Nghị định, Thông tư hoàn thành theo đúng quy định. Đây là dấu ấn hết sức quan trọng, bởi từ trước các luật từ khi ban hành đến sau khi có hiệu lực các văn bản đều chậm, điển hình Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước. Vì vậy, năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết liệt hoàn thành các văn bản để hướng dẫn Luật Đất đai. Bên cạnh đó, các luật khác như Luật Môi trường cũng đã được thông qua, riêng Luật Tài nguyên môi trường và biển đảo đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Nhà máy tuyển quặng sắt tại mỏ sắt Tiến Bộ của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Cùng với việc xây dựng văn bản pháp luật là nhiệm vụ công tác thanh tra và kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp luật. Năm 2014 là năm ngành đặc biệt “coi trọng” công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung “mũi nhọn” thanh tra lĩnh vực môi trường, phối hợp với cảnh sát môi trường phát hiện nhiều vi phạm trong vấn đề xả thải của các cơ sở sản xuất… Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng là trọng tâm và được quan tâm hơn so với trước nên đã có chuyển biến tốt hơn. Điển hình là chuyển biến trong lĩnh vực khoáng sản, cấp phép khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề thu tiền sử dụng nên đã thu về cho ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Thưa Bộ trưởng, năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã áp dụng chế tài rất mạnh để xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường và khoáng sản, nhưng tại sao những vi phạm trong lĩnh vực môi trường, khoáng sản vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương?

Vấn đề môi trường là vấn đề đều được quan tâm ở các địa phương và liên quan chặt chẽ với sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam đang là nước trung bình nên quá trình phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường và phải xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường. Thực tế, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề ô nhiễm môi trường luôn mâu thuẫn với nhau, nhưng từ kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…, Việt Nam đang khắc phục tồn tại tốt hơn và nhanh hơn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rất “trăn trở” và “suy nghĩ” việc các tỉnh muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhưng quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư kéo theo hệ lụy về môi trường và vấn đề xử lý môi trường khi tiềm lực của doanh nghiệp hạn chế. Đi đôi với đầu tư phát triển phải xử lý nước thải, xử lý môi trường, cơ cấu chi phí chiếm tỉ trọng khá lớn. Thực tế, quá trình đầu tư khu công nghiệp, làng nghề… và quá trình đánh giá tác động môi trường đã làm chặt chẽ nhưng vi phạm xả thải vẫn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, nếu chúng ta không tăng cường thanh tra, kiểm tra thì vi phạm sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp liên quan đến hóa chất, nhuộm, xi măng, phân bón, khai thác khoáng sản… việc gây ô nhiễm lớn nên cần giải quyết triệt để. Ô nhiễm môi trường là tồn tại thực tế trong quá trình phát triển của đất nước, nên rất cần trách nhiệm của mọi người dân trong bảo vệ môi trường. Với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, có quan điểm đồng thuận và nhất quán, đảm bảo hạn chế ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất.

Hiện nay một số tỉnh có khu công nghiệp đã làm tốt hệ thống quan trắc, đánh giá và kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhưng một số tỉnh bố trí khu công nghiệp, kinh doanh chưa kiểm soát, chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, hay nhiều doanh nghiệp sản xuất ở miền núi như cơ sở sản xuất tinh bột sắn, rượu cồn… gây ô nhiễm “ghê gớm”. Trước thực tế này, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải giải quyết hài hòa để đảm bảo phát triển… Nhưng cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có quy định đối với các doanh nghiệp mới muốn đi vào hoạt động, bắt buộc họ phải đầu tư cơ sở xử lý nước thải, được cấp phép thì doanh nghiệp mới được hoạt động.

Hiện ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề “nóng”. Vậy Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để giảm thiểu các vấn đề "nóng" trong năm 2015?


Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục là những vấn đề “nóng” được Bộ đặc biệt quan tâm, Nghị quyết 24 cũng đã nêu rõ vấn đề này. Từ nay đến năm 2020 phải có những “bước đi” tiến tới giảm hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước mắt trong năm 2015, trên cơ sở các văn bản pháp luật đã xây dựng Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định việc trọng tâm là tập trung thanh tra, kiểm tra để thấy khó khăn, vướng mắc từ chính sách đến thực tế, qua đó điều chỉnh các văn bản cho phù hợp, giảm thiểu vi phạm. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực: Môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, tổ chức đối thoại trực tuyến với các địa phương, nói rõ quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xử lý.

Cùng với giải quyết ô nhiễm môi trường, vấn đề vi phạm đất đai, cấp phép cũng là vấn đề “nóng” được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm. Theo đó, Bộ tiếp tục tập trung đẩy mạnh vấn đề cải cách hành chính, trong đó tập trung vào vấn đề thủ tục hành chính về đất đai. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, các thủ tục đất đai từ 41 thủ tục đã giảm còn 30 thủ tục so với trước đây. Việc cải cách thủ tục hành chính được quan tâm “đặc biệt” bởi nó giải quyết những bức xúc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Bộ sẽ cùng với các địa phương quan tâm hơn để tạo chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính, đáp ứng đòi hỏi của xã hội.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Thu Hà (thực hiện)
Hệ lụy khai thác khoáng sản ở Yên Bái - Bài 1
Hệ lụy khai thác khoáng sản ở Yên Bái - Bài 1

Khoáng sản ở Yên Bái rất phong phú, đa dạng về chủng loại, tuy nhiên, nguồn thu cho địa phương từ hoạt động này thấp, môi trường bị tàn phá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN