Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Buổi thảo luận ghi nhận những ý kiến còn khác nhau của các đại biểu Quốc hội đối với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc là và rượu bia.
Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, qua rà soát, tổng kết, đánh giá và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, chính sách điều tiết của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành mức điều tiết đối với 13 nhóm trong tổng số 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiếp tục phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội trong những năm tới.
Còn đối với ba nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu, cần điều chỉnh tăng thuế suất để nâng cao tác dụng hạn chế tiêu dùng. Theo đó, đối với mặt hàng thuốc lá Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như sau: từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%.
Đối với mặt hàng bia, từ ngày 1/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; và từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%.
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam (GATS), tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới và tỷ lệ hút thuốc lá chung là 23,8% (tương đương với 15,3 triệu người); hiện có 67,6% người không hút thuốc lá. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Các đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đồng tình với việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá và cho rằng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch...
Theo Đại biểu Lê Khánh Nhung (Quảng Bình): Mục tiêu của dự Luật là để tăng giá bán lẻ, giảm số lượng người tiêu dùng thì mức thuế TTĐB phải tăng cao hơn mới đảm bảo được mục tiêu này.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) phát biểu:
Tăng thuế TTĐB nói chung là góp phần điều chỉnh định hướng tiêu dùng, riêng tăng thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá còn bảo vệ sức khỏe. Do vậy, chúng ta không nên cân nhắc việc nếu tăng thuế với thuốc lá sẽ được hoặc mất (nếu có) bao nhiêu ngân sách! Tôi thấy mức thuế và lộ trình như của Chính phủ đề ra là phù hợp và cần áp dụng ngay từ năm 2015.
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ việc tăng thuế TTĐB các mặt hàng nêu trên, một số đại biểu tỏ ra băn khoăn với tờ trình của Chính phủ.
Những ý kiến băn khoăn cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này cần cân nhắc, thận trọng bởi đây là những ngành công nghiệp lớn, đã có những đóng góp nhất định cho xã hội như giải quyết công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Việc tăng thuế không phải là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn việc hút thuốc lá và uống rượu bia; đồng thời còn gây tác động đến công ăn việc làm của số lượng lớn lao động. Các ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ làm rõ và có những tính toán về tác động sau khi tăng thuế các mặt hàng này đối với sản xuất trong nước, việc làm của người lao động.
Một số đại biểu cho rằng, việc chỉ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hay các mặt hàng rượu, bia mà không kèm theo các giải pháp khác sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) phát biểu:
“Tác hại của thuốc lá là điều không phải bàn cãi nhưng để hạn chế tác hại của thuốc lá hay giảm số lượng người hút thuốc thì đòi hỏi những giải pháp đồng bộ chứ coi tăng thuế là giải pháp hữu hiệu nhất như có đại biểu đã nói thì không phải”. Có đại biểu muốn tăng thuế thuốc lá càng cao càng tốt, thậm chí muốn tăng thuế thuốc lá lên cả 100% và hơn nữa”. Thuốc lá và cả rượu bia nữa cứ như là tội đồ vậy. Tôi nghĩ không nên phủ nhận sự đóng góp của nó đối với xã hội”.
“Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đưa ra nhiều quy định nhưng việc thực hiện chưa triệt để. Việc tăng thuế không thể là giải pháp thay thế cho các biện pháp quản lý nhà nước về thói quen sử dụng thuốc lá”.
“Tăng thuế chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sản xuất này, làm giảm thu ngân sách, việc làm ở các địa phương”. “Tăng thuế lên càng cao, nạn buôn lậu càng phát triển. Người dân có thể chuyển sang tiêu dùng sản phẩm tự nấu hoặc tiêu thụ sản phẩm nhập lậu độc hại hơn”, ông nói.
Đồng tình với lộ trình tăng thuế, song đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đề nghị cần có đánh giá lại tác động của việc tăng thuế để đề ra lộ trình phù hợp hơn. Việc đánh giá tác động mà chỉ sẽ diễn ra trong vài năm tới không phải là dễ nhưng có đánh giá đúng tác động thì mới đề ra và có giải pháp đồng bộ nhất là việc chuyển đổi cây trồng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo ông: “cần kéo dài lộ trình dài hơn so với đề xuất trong dự thảo luật”.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết: Qua tiếp xúc cử tri và một số cơ quan chức năng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia cần được cân nhắc. Mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, nhưng trước mắt nó làm tăng giá các mặt hàng sản xuất, tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động.
Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tán thành mức tăng thuế suất đối với rượu, bia, thuốc lá, nhưng nhiều ý kiến đề nghị tăng cao hơn và có lộ trình hợp lý. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị phải cân nhắc việc tăng thuế suất với lộ trình như thế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp trong nước và đối với lao động việc làm. Cần phải có một lộ trình phù hợp và đánh giá đầy đủ tác động đối với nguồn thu ngân sách, đối với kinh tế, đối với xã hội. Cũng như phải tăng cường các giải pháp chống buôn lậu có hiệu quả để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra. Bảo đảm sức khỏe, định hướng sản xuất tiêu dùng, thu ngân sách.