Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: So với tháng 4/2015 có 6.343 xe vi phạm, công tác kiểm soát tải trọng xe tháng 4/2016 đạt kết quả khả quan hơn, số xe vi phạm tiếp tục giảm.
Cụ thể, lực lượng tại các trạm cân, lực lượng liên ngành sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 70.667 xe, trong đó 5.158 xe vi phạm về tải trọng, 458 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 1.696 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 38,2 tỷ đồng. Các địa phương làm tốt công tác kiểm soát xe quá tải là Sơn La, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum.
Tình trạng xe quá tải ngang nhiên diễn ra tại Tây Ninh. Ảnh Thanh Tân - TTXVN |
Tuy nhiên, tại một số địa phương, theo phản ánh của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vẫn còn xe quá tải lưu thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố mà chưa bị các lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý triệt để.
Để “siết” xe quá tải trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải, thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng xe tại các trạm cân, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất việc dừng các xe không vi phạm, thao tác tiến hành cân không chính xác, gây lãng phí thời gian, tâm lý bức xúc cho chủ xe, lái xe.
Lực lượng thanh tra tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra đột xuất (đặc biệt vào ban đêm), tập trung tại các đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng; đặc biệt là các mỏ đá, nhà máy xi măng, nhà máy chế biến nông, lâm sản, nhà máy chế biến gỗ và kiểm tra các phương tiện chở vật tư, vật liệu xây dựng lưu thông vào ban đêm, các phương tiện hết niên hạn sử dụng chở hàng quá tải chủ yếu lưu thông trên các tuyến đường huyện, đường xã.