Theo Phòng 2 - Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến năm 2016, Viện Kiểm sát Thành phố đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra tổng cộng 108 vụ án với 146 bị can của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, vi phạm 18 điều luật khác nhau. Tòa án nhân dân Thành phố đã xử phạt tử hình 7 bị cáo , chung thân 4 bị cáo , 8 bị cáo trên 15 năm tù giam…
Trên thực tế tố tụng, đối với các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài, các cơ quan tố tụng gặp nhiều khó khăn trong ngôn ngữ; xác định nhân thân, lý lịch bị can, bị cáo; hạn chế trong việc làm việc giữa người bào chữa và bị can, bị cáo; nhiều khó khăn, vướng mắc về quy định trung cầu người phiên dịch trong Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết những vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài.
Theo bà Vũ Xuân Nhuệ, Phó trưởng Phòng 2 - Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng cường ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, đồng thời trao đổi, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tố tụng các nước về việc cung cấp thông tin, tài liệu cùng các vấn đề cụ thể nhằm xử lý triệt để các đối tượng chủ mưu, cầm đầu điều hành đường dây tội phạm.
Cũng đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Thanh Lâm - Phó Chánh án Tòa hình sự, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tăng cường hợp tác quốc tế với những tổ chức như Interpool để có sự hỗ trợ ngay từ quá trình điều tra.
Ngoài ra, ông Lâm cũng kiến nghị liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản hướng dấn thống nhất cách xử lý trong những trường hợp không thể xác minh được nhân thân, lý lích, tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo là người nước ngoài; sớm có quy định về trình tự, thủ tục trưng cầu người phiên dịch.