Sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng tình hình mới

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và hoàn thiện hơn nữa các quy định trong xây dựng, ban hành VBQPPL.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Cụ thể, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện thay thế bằng thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã; sửa đổi quy định HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương… Ngoài ra, về việc bổ sung nội dung phân cấp, sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Dự thảo Luật cũng quy định cơ quan trình được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để xây dựng dự án, dự thảo, để tạo thuận lợi cho việc ban hành luật, nghị quyết ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hoặc kỳ họp gần nhất trong trường hợp cấp bách nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà chưa có trong Chương trình lập pháp hằng năm...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, dự thảo Luật đã bổ sung quy định liên quan đến việc xử lý các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL khi sắp xếp tổ chức, bộ máy. Dự thảo Luật bổ sung khoản 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 72 của Luật để xử lý VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành và hoàn thành việc xử lý trước ngày 1/3/2027.

Dự thảo Luật cũng quy định HĐND cấp xã, UBND cấp xã không được quy định hiệu lực trở về trước. Bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Luật bãi bỏ cụm từ “và các tổ chức chính trị - xã hội”; “cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận” để phù hợp định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Bỏ quy định Bộ Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định đối với trường hợp Bộ Tư pháp lập đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện thẩm định bằng hình thức phù hợp...

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội.

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBPLTP và các cơ quan tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật BHVBQPPL với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như được nêu trong Tờ trình.

Về nội dung, UBPLTP nhận thấy dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số ít quy định khác để tạo thuận lợi hơn trong triển khai thi hành Luật.

Về đề xuất bổ sung thẩm quyền HĐND cấp tỉnh, cấp xã ban hành nghị quyết để quy định “phân cấp”, UBND cấp xã ban hành quyết định để “phân cấp”, UBPLTP nhận thấy, quy định này là chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó việc phân cấp chỉ đặt ra đối với hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, đề nghị lược bỏ quy định nêu trên để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Có ý kiến đề nghị không quy định UBND cấp xã có thể “phân cấp” cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác trực thuộc, vì chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân nên cần trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Về quy định chuyển tiếp để quy định việc xử lý văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, UBPLTP tán thành với nhận định trong Tờ trình của Chính phủ cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ có tác động đến hiệu lực của VBQPPL do HĐND và UBND các địa phương nơi thực hiện sắp xếp đã ban hành.

Tuy nhiên, hiệu lực của VBQPPL trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính đã được quy định tại Điều 54 của Luật Ban hành VBQPPL và hoàn toàn có thể áp dụng phù hợp đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã chịu tác động trong lần thực hiện sắp xếp này. Do đó, đề nghị rà soát quy định để cần thiết thì đề xuất sửa đổi, bổ sung; chỉ quy định chuyển tiếp để xử lý đối với VBQPPL của chính quyền cấp huyện kết thúc hoạt động.

Đối với nội dung Khoản 5 về xử lý văn bản đã ban hành của HĐND, UBND cấp huyện, để bảo đảm không có khoảng trống pháp luật, phù hợp với thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã, đề nghị chỉnh lý theo hướng: VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện đó trước khi sắp xếp cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để bãi bỏ hoặc quyết định kết thúc việc áp dụng.

HĐND, UBND cấp xã khi ban hành VBQPPL mới thì trong đó phải quy định rõ thời điểm kết thúc việc áp dụng VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện trước khi sắp xếp. HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành văn bản bãi bỏ khi tất cả HĐND, UBND cấp xã có liên quan đã kết thúc việc áp dụng VBQPPL của cấp huyện trước khi sắp xếp hoặc ấn định thời hạn mà HĐND, UBND cấp xã phải ban hành văn bản mới thay thế.

Thế Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc
Hoàn thiện hệ thống pháp luật 'đồ sộ' quy định về an toàn điện
Hoàn thiện hệ thống pháp luật 'đồ sộ' quy định về an toàn điện

Tại Tọa đàm An toàn điện trong công tơ - Nhận thức đúng, hành động kịp thời do Báo Công an nhân dân tổ chức chiều 23/4, ông Trịnh Văn Thuận - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực và Luật Phòng cháy chữa cháy, qua đó hoàn thiện hệ thống pháp luật "đồ sộ" quy định về an toàn điện đối với tất cả các bên, từ bên bán điện, bên sử dụng điện, bên cung cấp thiết bị điện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong an toàn điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN