Tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến, tinh vi và phức tạp ở hầu hết các phân khúc thị trường. Từ những mặt hàng tiêu dùng thông thường đến những mặt hàng liên quan đến sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay những mặt hàng phục vụ sản xuất, xây dựng, công nghệ cao… đều bị làm giả, gây bức xúc cho toàn xã hội.
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hàng hóa của một đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thị trường trong nước hiện đã xuất hiện nhiều loại hàng giả như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, các loại dược phẩm và một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe người dân và môi trường. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 11.400 vụ vi phạm, xử phạt 23 tỷ đồng và thu giữ, tiêu hủy hàng hóa có giá trị hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết thực tế vi phạm do tình trạng hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi bằng nhiều thủ đoạn nhằm đối phó, qua mặt cơ quan chức năng.
Bà Trương Thị Tuyết Mai, Cục Sở hữu trí tuệ - Văn phòng phía Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, các hành vi xâm phạm diễn ra ở hầu hết các đối tượng SHTT như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sao chép băng đĩa lậu, in sách báo lậu… Đặc biệt, những loại hàng giả như: Rượu, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, phân bón, giống cây trồng, thuốc trừ sâu và sản phẩm mỹ phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp bị làm giả hàng nhưng ngại công bố hoặc không dám công bố cho người tiêu dùng biết, do sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thực tế rất khó nhận biết hàng thật - hàng giả và chất lượng hàng hóa có đúng như nhãn ghi hay không nếu không có kiến thức chuyên môn và phương tiện để giám định. Khi có nghi vấn, không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền cho công tác giám định nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ mình khi hàng giả ngày càng tinh vi và phổ biến, khi hàng giả không chỉ sản xuất trong nước mà còn nhập từ nước ngoài về và được hợp thức hóa thành hàng nội địa qua hình thức nhập khẩu linh kiện, bán thành phẩm, qua các cơ sở chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới của các thương hiệu uy tín trong nước. Do vậy, để chống hàng gian, hàng giả, cần sự phối hợp chặt chẽ và sự triển khai quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Việt Âu