Phòng, chống buôn bán động vật hoang dã - Bài 1: Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện

Nhận thức được sự quan trọng của công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã, từ những năm 1990 đến nay, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, buôn bán các loài động vật hoang dã. Tuy vậy, việc thực thi cam kết chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế.

Chú thích ảnh
Nhiều động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm trong số tang vật được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN.

Năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về đa dạng sinh học (CBD). Đây là những cam kết quốc tế quan trọng đầu tiên về bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia.

Để thực hiện có trách nhiệm các cam kết trên, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, buôn bán các loài động vật hoang dã thuộc các phụ lục của CITES và được Ban Thư ký CITES quốc tế xếp vào loại 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2018).

Tăng nặng mức hình phạt hình sự

Hiện hệ thống các văn bản pháp luật về động vật hoang dã của Việt Nam bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2008. Đáng chú ý là Bộ Luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có 1 điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có 2 điều quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244). Theo đó, các điều này đã định khung hình phạt, đồng thời tăng nặng mức hình phạt hình sự.

Cụ thể, hình phạt tiền đã được tăng lên gấp 4 lần (tối đa 2 tỷ đồng đối với cá nhân so với 500 triệu đồng trong Bộ luật Hình sự 1999 và 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm đối với pháp nhân trong khi Bộ luật Hình sự 1999 không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân) và hình phạt tù được nâng lên gấp 2,5 lần (tối đa 15 năm tù giam, so với 7 năm trong Bộ luật Hình sự 1999).

Những thay đổi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã vì thực tiễn chỉ ra rằng việc áp dụng các chế tài hình sự nghiêm khắc sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, qua đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Các văn bản dưới luật, bao gồm: Nghị định số 32/2006 về quản lý và danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ rừng Việt Nam; Nghị định số 160/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sửa đổi bởi Nghị định 40/2015 và Nghị định 41/2017); Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thông tư số 90/2008/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu; và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

 Nỗ lực ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã

Song song với việc xây dựng và ban hành chính sách pháp luật, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực tổ chức thực thi pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên, theo UNDOC, các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam, ngày 6/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công văn yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp cùng với các bộ liên quan, soạn thảo khẩn cấp một chỉ thị nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước. Hành động kịp thời và quyết đoán này cho thấy sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đây cũng là một cơ hội để Chính phủ Việt Nam thể hiện vai trò đi đầu của mình trong khu vực trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 và trong việc ngăn chặn những dịch bệnh bắt nguồn từ động vật có thể bùng phát trong tương lai thông qua chấm dứt buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những hành động khẩn cấp để chấm dứt các bệnh truyền nhiễm từ động vật trong tương lai. WWF sẵn sàng làm việc với Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan để thực thi Chỉ thị này và chấm dứt nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã”, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh. 

Theo kết quả thống kê của Cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến hết tháng 10/2014, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong số này có 3.823 vụ vi phạm về quản lý động vật hoang dã, 58.869 cá thể (trong đó 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm) được tịch thu. Hoạt động khai thác và buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã còn mở rộng về quy mô và vươn ra nhiều khu vực cung cấp và tiêu thụ hơn, tuy nhiên, số vụ buôn bán các loài động vật hoang dã bị đưa ra xét xử vẫn ở mức thấp.

Số liệu mới nhất do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) công bố năm 2019 cho thấy, trong khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ buôn bán động vật hoang dã bị bắt giữ tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam có ít nhất 105,72 tấn ngà voi ( thuộc khoảng 15.779 cá thể voi); 1,69 tấn sừng tê giác (ước tính thuộc khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương thuộc ít nhất 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Trước đó, thống kê của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã – Chương trình Việt Nam và Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cũng khẳng định trong thời gian 5 năm (từ tháng 1/2013 đến 12/2017), có 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý; 41.328 kg cá thể và sản phẩm động vật hoang dã bị thu giữ; 1.461 đối tượng vi phạm bị xử lý và 432 bị cáo bị đưa ra xét xử./. (Còn tiếp)

Bài 2: Vẫn còn hạn chế trong thực thi

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Phòng, chống buôn bán động vật hoang dã - Bài cuối: Kiến nghị từ nhiều tổ chức phi chính phủ
Phòng, chống buôn bán động vật hoang dã - Bài cuối: Kiến nghị từ nhiều tổ chức phi chính phủ

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng đã có các thông báo, chỉ thị cho chính quyền địa phương nhằm thắt chặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã để ngăn ngừa dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN