Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 30 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người"; các bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) 30 tháng tù, Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư) 30 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) 30 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn) 24 tháng tù, cho hưởng án treo, về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hoàng Công Lương. Bản thân bị cáo đã thừa nhận lỗi vô ý làm chết người, lỗi cẩu thả của mình; sau sự cố xảy ra đã tích cực cứu chữa các bệnh nhân. Hoàng Công Lương có nhân thân tốt, là người dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng; trong quá trình hành nghề đã có thành tích tốt, 2 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đó là những tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Đối với bị cáo Trương Quý Dương, với vai trò là người đứng đầu Bệnh viện, đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với cấp dưới, để cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài. Hội đồng xét xử tuyên giữ nguyên bản án tại phiên tòa sơ thẩm.
Với bị cáo Trần Văn Thắng, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Thắng không làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất với Giám đốc Bệnh viện ban hành văn bản quy định cụ thể đối với việc quản lý, sửa chữa, sử dụng các thiết bị y tế nói chung và hệ thống RO nói riêng. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Thắng tỏ ra ăn năn hối lỗi, thành khẩn khai báo. Trong quá trình hành nghề, bị cáo được tặng nhiều giấy khen của Sở Y tế; bố bị cáo là người có công với cách mạng.
Đối với bị cáo Hoàng Đình Khiếu, sau khi xảy ra sự cố y khoa, đã tích cực tham gia cứu chữa người bệnh, có nhân thân tốt, là Thầy thuốc Ưu tú, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, gia đình có công với cách mạng.
Với bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Hội đồng xét xử nêu rõ, kể từ khi cho bị cáo Quốc thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước, bị cáo Tuấn không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, cho nên không có cơ sở để bị cáo kêu oan. Nhưng mức phạt 30 tháng tù tại phiên tòa sơ thẩm là nghiêm khắc với bị cáo Tuấn, nên Hội đồng xét xử đã giảm án phạt đối với bị cáo Tuấn.
Hội đồng xét xử cũng tuyên: Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải bồi thường cho các gia đình nạn nhân 2,428 tỉ đồng. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng (được trừ 290 triệu đồng đã bồi thường), Công ty Thiên Sơn phải bồi thường hơn 700 triệu đồng.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên phạt các bị cáo Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù giam và bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù giam cùng về tội “Vô ý làm chết người” được quy định tại Khoản 2, Điều 98, Bộ luật Hình sự năm 1999. Bị cáo Trần Văn Sơn 42 tháng tù giam; Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù giam; Trần Văn Thắng 36 tháng tù giam; Trương Quý Dương 30 tháng tù giam; Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù giam cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Khoản 2, Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.