Tại các Công văn số 4684/UBND-NC và 4685/UBND-NC ngày 29/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phê bình Chủ tịch UBND các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên chưa thực hiện nghiêm túc Công văn số 2302/UBND-NC ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh. Đây là công văn UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Nam Đàn và UBND Hưng Nguyên “chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; lập biên bản đình chỉ hoạt động, giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấm dứt hoạt động do không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; tổ chức kiểm điểm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có liên quan trong việc để các bến đi vào hoạt động, tái hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa…”. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Nam Đàn và UBND huyện Hưng Nguyên nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh.
Qua theo dõi của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông và vận tải, đến nay UBND huyện Nam Đàn và UBND huyện Hưng Nguyên vẫn chưa thực hiện nội dung trên. Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản của chính quyền địa phương cơ sở, UBND hai huyện có sự lơ là, bê trễ. Qua kiểm tra, UBND huyện Nam Đàn chưa tổ chức kiểm điểm Chủ tịch UBND 6 xã có liên quan; UBND huyện Hưng Nguyên chưa tổ chức kiểm điểm Chủ tịch UBND 3 xã có liên quan, chưa quyết liệt xử lý khai thác trái phép, báo cáo kết quả thực hiện không kịp thời.
Qua việc điều tra của các đoàn công tác tỉnh Nghệ An, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trên tuyến kiểm tra vẫn còn diễn biến phức tạp, cụ thể là tình trạng bến không có Giấy phép bến thủy nội địa (hoặc có nhưng bị thu hồi) dù đã bị đình chỉ, niêm phong hoạt động, bàn giao địa bàn sạch cho địa phương quản lý nhưng tiếp tục tái hoạt động. Tình trạng hoạt động mua bán cát, sỏi tại bến thủy nội địa không rõ nguồn gốc đang tiếp diễn. Một số bến nhập cát (mua cát) không rõ nguồn gốc, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khai thác trái phép còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, tàu thuyền hoạt động trên sông không thực hiện đăng ký, đăng kiểm, biển kiểm soát đăng kiểm không rõ ràng; tàu thuyền được lắp thêm thiết bị khai thác (máy hút cát) sai quy định, là phương tiện để “cát tặc” hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp như: Đối với địa bàn có cát sỏi lòng sông, Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê, kiểm kê, quản lý toàn bộ số tàu, thuyền, bến bãi, số lao động tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn, phát hiện xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Các địa phương tiến hành triển khai ký quy chế phối hợp bảo vệ cát, sỏi vùng giáp ranh chưa cấp phép khai thác; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã giáp ranh ký quy chế phối hợp quản lý nhằm đảm bảo công tác xử lý vi phạm hiệu quả đồng bộ; Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo; kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…