Theo cáo trạng, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, bị cáo Quỳnh sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook tên "Đặng Như Quỳnh" để đăng tải các bài viết tự mình soạn thảo hoặc chia sẻ lại của người khác.
Quỳnh là một Facebooker, với tài khoản mạng xã hội cá nhân có trên 300.000 người sử dụng Facebook theo dõi. Các bài viết của bị cáo đăng tải nhiều lượt tương tác, chia sẻ, bình luận.
Ngày 2/4, khi biết thông tin một số cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản bị cơ quan chức năng xử lý sai phạm, mặc dù không có thông tin ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị xử lý hình sự, song Quỳnh tự suy diễn, đăng tải công khai trên tài khoản Facebook cá nhân có nội dung ám chỉ ông này bị xử lý.
Sau khi bị cáo đăng tải bài viết, hàng nghìn cá nhân tương tác, bình luận, chia sẻ. Đến ngày 5/4, khi các cơ quan tố tụng công bố thông tin về việc xử lý hình sự với ông Đỗ Anh Dũng, Quỳnh chỉnh sửa lại bài viết, bổ sung nội dung được các cơ quan tố tụng công khai để định hướng người đọc tin là bị cáo biết trước thông tin vụ việc.
Mặt khác, Quỳnh biết các thông tin bị cáo đăng tải được nhiều người tiếp cận, nên tiếp tục suy diễn việc cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra đối với ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán GEX), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã chứng khoán VGC).
Theo điều tra, từ 0 giờ đến 10 giờ 26 phút ngày 6/4, Quỳnh đăng tải 2 bài viết có nội dung sai sự thật, kèm theo hình ảnh cá nhân của ông Tuấn, về việc các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành khởi tố, điều tra, bắt tạm giam với ông này.
Hai bài viết được nhiều cá nhân tương tác, bình luận, chia sẻ, lan rộng trên không gian mạng. Theo đó, trong các phiên giao dịch ngày 6, 7, 8, 11, 12/4, xuất hiện hiện tượng các nhà đầu tư đặt lệnh bán với số lượng lớn mã cổ phiếu của doanh nghiệp. Kèm theo đó, thị giá và vốn hóa trên thị trường của các mã chứng khoán này giảm mạnh. Chỉ riêng vốn hóa hai mã chứng khoán giảm gần 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra chỉ số VN Index giảm 64,78 điểm, chỉ số HNX Index giảm 35,09 điểm, chỉ số UPCOM giảm 4,57 điểm. Việc giảm này gây hoang mang trong dư luận của các nhà đầu tư chứng khoán.
Ngày 13/4, Quỳnh bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp.
Ngày 23/5, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xác định 2 bài viết của Quỳnh là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng tiêu cực với các mã chứng khoán có liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp trên nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung trong giai đoạn từ ngày 6 - 12/4.
Ngày 29/8, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định hành vi của Quỳnh đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp trên.
Theo cơ quan chức năng, việc đăng các tin bài liên quan đến ông Đỗ Anh Dũng, do ông này bị xử lý hình sự và được Bộ Công an công bố nên Quỳnh không bị xem xét về hành vi này.
Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Quỳnh nhận thức rõ các thông tin mình đăng tải là sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan những vẫn thực hiện nhằm gây sự chú ý và tăng số lượng tiếp cận, chia sẻ trang Facebook của bị cáo.
Tại phiên tòa, Quỳnh khai bị cáo thực hiện hành vi hoàn toàn theo ý thức chủ quan của cá nhân, không có ai đứng sau. Việc đăng tải các thông tin không nhằm mục đích gì, chỉ vì muốn nhiều người tương tác nên bị cáo đăng các bài viết “câu like”. Thời điểm đăng tải thông tin, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là sai, không lường trước được hậu quả ảnh hưởng đến người khác, sau đó bị cáo mới nhận ra.
Bị cáo Quỳnh thừa nhận hành vi sai phạm của mình, nhận thức lỗi lầm và ăn năn, hối lỗi. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến người bị hại và những người liên quan không có mặt tại phiên tòa.