Trong đó, Lê Văn Quang (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Thăng Long Group) bị Tòa tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, điểm a, Điều 139, - Bộ luật Hình sự năm 1999. Bảy đồng phạm với Lê Văn Quang trong vụ án này gồm: Phạm Ngọc Tuân (sinh năm 1985, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhượng quyền thương mại Thăng Long - viết tắt là Công ty Nhượng quyền Thăng Long), Vũ Đình Hùng (sinh năm 1983, nguyên Phó Giám đốc Công ty Nhượng quyền Thăng Long), Đỗ Văn (tên gọi khác là Michael Do, phụ trách công nghệ thông tin Công ty Nhượng quyền Thăng Long, nguyên Giám đốc IT Thăng Long Group), Huỳnh Trọng Nghĩa (sinh năm 1988, nguyên Giám đốc truyền thông Công ty Nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Hồng Thái (sinh năm 1980, nguyên Giám đốc đào tạo Công ty Nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Thành Nam (sinh năm 1982, nguyên Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Công ty Nhượng quyền Thăng Long), Hoàng Hải Yến (sinh năm 1980, nguyên Giám đốc tài chính Công ty Nhượng quyền Thăng Long) bị Tòa tuyên phạt các mức án từ 9 đến 19 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thiệt hại lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây bất bình hoang mang dư luận.
Cụ thể, tháng 8/2012, Quang cùng đồng phạm góp vốn thành lập công ty bán hàng đa cấp trách nhiệm hữu hạn Tầm Nhìn Việt. Năm 2014, Quang mua lại một công ty đã có giấy phép kinh doanh đa cấp của Bộ Công Thương, đổi tên thành Công ty Nhượng quyền Thăng Long, tạo vỏ bọc pháp lý.
Sau đó, Quang lập ra chuỗi 5 công ty con thuộc Thăng Long Group có trụ sở tại Hà Nội, gây dựng hình ảnh là tập đoàn có thế lực. Thông qua các chương trình nộp tiền mua máy lọc nước, thực phẩm chức năng làm đẹp, giảm cân để vào công ty, nhà đầu tư được hứa hẹn không cần làm gì vẫn thu về mức tiền thưởng lớn. Ai mua đơn hàng 31 triệu đồng được nhận 146 triệu đồng; đơn hàng 230 triệu đồng sẽ nhận 765 triệu đồng. Các bị cáo tính lợi nhuận theo kiểu kim tự tháp, lấy tiền của người sau chia cho người trước; càng lôi kéo được càng nhiều người tham gia thì nhà đầu tư càng có cơ hội hưởng lợi lớn.
Để kích thích lòng tham của các bị hại cũng là các nhà đầu tư, Thăng Long Group còn tổ chức các buổi vinh danh "nhà phân phối tiêu biểu", nhận thưởng trị giá từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, các bị hại còn được tham dự hội thảo, hội nghị nghe tư vấn bán hàng, cho đi ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng.
Theo cáo buộc, từ tháng 3/2015 đến tháng 8/2016, Quang cùng đồng phạm đã lừa đảo 36.000 người thuộc 32 tỉnh thành, chiếm đoạt hơn 706 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1.612 bị hại tới trình báo với yêu cầu bồi thường 123 tỷ đồng.
Tại phiên tòa có mặt khoảng 100 bị hại từ các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Bình... Các bị hại cho biết, họ tiền nộp cho Thăng Long Group đa số là từ khoản tiết kiệm, đi vay nặng lãi, bán đất hoặc thế chấp nhà cửa mà có.
Khai tại tòa, các bị cáo thừa nhận đã thực hiện các hành vi như trên, nhưng cho rằng mình không gian dối, số tiền chiếm đoạt không lớn như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận thấy lời khai trước đó của các bị cáo phù hợp với tài liệu tố tụng và trình bày của các bị hại. Trên cơ sở đó, Tòa xác định bị cáo Quang và đồng phạm đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo đã quảng cáo sai sự thật, thể hiện qua việc tuyên truyền không cần mua hàng, chỉ cần nộp tiền vẫn nhận khoản tiền thưởng lớn.
Đánh giá mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử xác định, trong vụ án này bị cáo Lê Văn Quang giữ vai trò phạm tội cao nhất nên phải chịu trách nhiệm chính, đồng thời Quang còn thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với nhiều bị hại. Vì vậy, bị cáo Quang phải chịu mức án cao nhất trong số các bị cáo và bị Tòa tuyên phạt tù chung thân.