Trước chứng cứ rõ ràng của công an, người đứng đầu Hợp tác xã đã thừa nhận hành vi vi phạm của đơn vị.
Công an huyện Quan Hóa đã phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện, UBND thị trấn Hồi Xuân đến kiểm tra toàn bộ hệ thống cống ngầm xả nước thải của Hợp tác xã chế biến lâm sản Xuân Dương. Đồng thời, lấy mẫu nước Hợp tác xã này xả xuống sông Mã để xét nghiệm để lấy căn cứ xử lý hành vi vi phạm.
Trước tình trạng cá nuôi lồng, thủy sản tự nhiên trên sông Mã đã và đang chết bất thường, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Trương Nho Tự cùng ngành chức năng của huyện đã đến kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ bột giấy trên địa bàn. Tại các cơ sở, đoàn công tác cũng đã kiểm tra hồ sơ về bảo vệ môi trường, kiểm tra hệ thống xử lý chất thải của các doanh nghiệp.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin, tại khu vực sông Mã, đoạn chảy qua huyện miền núi Bá Thước, đã có hơn 16 tấn cá nuôi lồng và thủy sản tự nhiên trên sông Mã bị chết bất thường, chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, cơ quan chức năng huyện Bá Thước đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 3 doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã, UBND huyện Bá Thước đã lấy mẫu nước thải để xét nghiệm tìm độc tố, chất cấm xả thải ra môi trường để lấy căn cứ để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp đền bù thiệt hại cho người nuôi cá.
Hiện nay, ở phía hạ lưu sông Mã đoạn chảy qua huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), cá nuôi lồng của người dân và thủy sản tự nhiên cũng bị chết hàng loạt. Thống kê của UBND huyện Cẩm Thủy, đến ngày 15/4 cho thấy, huyện có 108 hộ nuôi cá lồng trên sông Mã có cá bị chết chưa rõ nguyên nhân, với tổng số lượng hơn 14 tấn; trong đó xã Cẩm Thành có 63 hộ với gần 13 tấn, xã Cẩm Lương có 25 hộ với 1,2 tấn cá chết.