Hơn 2.000 trường hợp sai lệch, giả mạo hồ sơ
Ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 896 - Đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Mục tiêu của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 896 được thí điểm tại 16 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.
Sau gần 1 năm triển khai, bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi chức năng của hệ thống sản xuất cấp, quản lý chứng minh nhân dân sang sản xuất, cấp, quản lý thẻ căn cước công dân; phân công rõ trách nhiệm đối với các đơn vị phòng chuyên môn nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an 14 huyện, thị, xã, thành phố.
Công an tỉnh cũng đã phối hợp với Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền rộng rãi các quy định của pháp luật về thẻ căn cước công dân; niêm yết công khai quy định về thủ tục, quy trình, thời gian, lệ phí cấp thẻ căn cước công dân tại 15 điểm trên toàn tỉnh.
Thiếu tá Bùi Tuyết Mai, Phó Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội công an tỉnh Quảng Ninh (PC64) cho biết, sau hơn 11 tháng thí điểm cấp, phát thẻ căn cước công dân, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện hơn 2.000 trường hợp có dấu hiệu sai lệch về thông tin, giả mạo chứng minh nhân dân, giả mạo hồ sơ thông tin. Thậm chí có trường hợp điển hình như cùng một số chứng minh nhân dân cũ mà đăng ký 2 đến 3 nơi cư trú.
Riêng điểm số 15, Trung tâm cấp căn cước công dân cấp tỉnh (Phòng PC64), phát hiện 385 trường hợp sai lệch thông tin (sai ngày, tháng, năm sinh 266 trường hợp; sai họ, chữ đệm 159 trường hợp). Đặc biệt, có 5 trường hợp 3 số chứng minh nhân dân khác nhau đứng tên một người; 5 trường hợp giả mạo hồ sơ; 5 trường hợp có 2 nơi đăng ký thường trú trùng tên.
"Trước đây, khi quản lý thông tin nằm trên giấy tờ thì việc kiểm soát cũng phát hiện ra nhưng ít và khó quản lý. Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, hồ sơ cá nhân đã được nhập dữ liệu lên máy tính, gửi trực tiếp về Bộ Công an nên việc kiểm tra và rà soát đã được rút ngắn thời gian, độ chính xác cao", Thiếu tá Bùi Tuyết Mai đánh giá.
Hoàn thành đợt thí điểm cấp căn cước công dân
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 103.600 hồ sơ cấp căn cước công dân; trong đó cấp mới 102.660, cấp đổi gần 700; xử lý, chuyển hồ sơ về Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Bộ Công an là 103.305 hồ sơ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra cũng được lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức thường xuyên. Cụ thể, đã có 325 đợt kiểm tra, đạt tỷ lệ 96,25%. Riêng lực lượng của Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) đã xử phạt 56 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước gần 17 triệu đồng.
Thiếu tá Bùi Tuyết Mai khẳng định, Đề án 896 có nhiều điểm ưu việt, khoa học, chặt chẽ; công tác tra cứu, thống kê, báo cáo được thực hiện nhanh chóng. Mặc dù khối lượng công việc lớn, biên chế cán bộ thiếu, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính đã đảm bảo được tiến độ công việc đề ra - Thiếu tá Mai nói.
Tuy nhiên, theo Thiếu tá Mai, quá trình triển khai cũng còn những khó khăn tồn tại như Luật căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn thiếu đồng bộ; đường truyền vẫn xảy ra nhiều sự cố như lỗi nghẽn mạng, thất lạc danh sách, kẹt hồ sơ điện tử...; đặc biệt là trang thiết bị, máy móc còn thiếu.
Theo dự án, Bộ Công an chỉ trang bị 1 bộ lưu động tại trung tâm căn cước công dân cấp tỉnh (PC64), trong khi toàn tỉnh có đến 14 điểm cấp tại 14 địa phương. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Quảng Ninh không thực hiện cấp lưu động tại phường, xã, thị trấn... dẫn đến số lượng người dân tập trung tại PC64 rất đông. Tại trụ sở PC64 hiện nay, mỗi ngày chỉ giải quyết được tối đa 120 hồ sơ, dẫn đến tình trạng người dân phải đi lại 2 đến 3 lần, gây bức xúc.
Trước tình hình đó, Công an tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm bộ cấp căn cước công dân lưu động trước mắt cho 14 địa phương. Giai đoạn 1 (6 tháng cuối năm 2016) sẽ cấp cho 4 địa phương: Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều với số tiền gần 825 triệu đồng.
Qua 11 tháng thí điểm Đề án 896, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn tất thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước công dân đợt đầu thí điểm, đạt 96% tổng hồ sơ tiếp nhận. Vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc nhưng về cơ bản đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, giảm giấy tờ công dân và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước; góp phần đặt nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.