Một trong những nỗ lực của ngành Thuế trong năm 2011 là phát hiện, xử lý hàng loạt vi phạm về hình thức chuyển giá của các doanh nghiệp, thu khoản thuế lớn cho ngân sách Nhà nước.
Vi phạm chủ yếu rơi vào FDI
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế cho hay: Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách của nhà nước trong việc ưu đãi đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh và xuất khẩu để tránh thuế, trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá. Hoạt động này đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế cũng như làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK của doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Vũ Hữu Sinh – TTXVN
|
Phía cơ quan thuế nhận định: Việc chuyển giá chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và một số doanh nghiệp trong nước có hoạt động giao dịch liên kết. Biểu hiện chuyển giá thường xảy ra ở những doanh nghiệp có số lỗ lớn, lỗ liên tục; doanh nghiệp lỗ vượt vốn chủ sở hữu nhưng vẫn đầu tư mở rộng.
Kết quả thanh tra mới nhất cho thấy: Toàn ngành đã thực hiện thanh tra 642 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá (đạt 50% so với kế hoạch đề ra), xử lý giảm lỗ 3.924 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước), truy thu thuế và phạt 1.525 tỷ đồng (tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước), giảm khấu trừ 102 tỷ đồng.
Đại diện Cục Thuế Hà Nội vừa thông báo: Trong 11 tháng của năm 2011, cơ quan thuế Hà Nội đã truy thu, truy hoàn và phạt các vi phạm về thuế lên tới 904,497 tỷ đồng. Trước đó, đơn vị này đã đưa ra một ví dụ điển hình có dấu hiệu chuyển giá bằng cách tăng chi phí bất hợp lý để tạo số lỗ lớn để tránh nộp thuế. Trường hợp thanh tra Công ty TNHH HOEV tại địa chỉ: Khu công nghiệp Thăng Long – Đông Anh (Hà Nội): Đây là một doanh nghiệp chế xuất có vốn điều lệ 4,3 triệu USD, vốn đầu tư 7 triệu USD. Thế nhưng sau thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý giảm chi phí 5,019 triệu USD (của các năm 2008 - 2009). Số chi phí phải xử lý giảm tương đương với 54% số lỗ của doanh nghiệp này. Các khoản chi phí bị xử lý là do doanh nghiệp không chứng minh được đã thực tế cung cấp tại Việt Nam, không chứng minh được nội dung dịch vụ thực hiện.
Một hành vi vi phạm chuyển giá khác khá phổ biến là doanh nghiệp FDI góp vốn với doanh nghiệp Việt Nam bằng máy móc, thiết bị và công nghệ. Do doanh nghiệp Việt Nam thường hạn chế về năng lực và trình độ thẩm định giá nên trong quá trình định giá, những máy móc thiết bị và công nghệ thường bị đẩy lên rất cao so với giá trị thực. Bằng cách này, nhà đầu tư nước ngoài nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hành vi khác của chuyển giá được doanh nghiệp FDI sử dụng phổ biến là thông qua bán hàng hóa, nguyên vật liệu thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Bởi với lợi thế nắm giữ phần lớn vốn tại các doanh nghiệp Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên vật liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế từ bên liên kết Việt Nam sang bên liên kết nước ngoài…
Tăng cường ngăn chặn chuyển giá
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng: Do hành vi chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi nên việc xử lý giải quyết cho một vụ việc chuyển giá thường bị kéo dài; việc ấn định chi phí, ấn định giá khó khăn…; chức năng phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngành chức năng còn chưa đồng bộ.
Trước tình hình này, cơ quan thuế đã đưa ra một số giải pháp. Trước mắt cần tổ chức thống kê phân loại doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn theo từng tiêu chí riêng; sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để có căn cứ pháp lý, quyền của cơ quan thuế trong việc xử lý ngăn chặn chuyển giá. Các đơn vị trong ngành thuế cần triển khai áp dụng rộng rãi các ứng dụng tin học vào công tác thanh tra.
Giảm lỗ được hàng nghìn tỷ đồng sau thanh tra thuếTheo số liệu mới nhất của Tổng cục Thuế, năm 2011 qua thanh tra 642 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, ngành thuế đã xử lý giảm lỗ 3.942 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. |
Nhằm chống chuyển giá hiệu quả, một chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: Mỗi quốc gia cần có một đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực này. Để xây dựng được đội ngũ chuyên gia có thể đàm phán và nói chuyện với các công ty đa quốc gia về vấn đề chuyển giá, họ phải mất 2 - 3 năm nghiên cứu, điều tra, thậm chí học hỏi kinh nghiệm của các công ty kiểm toán nước ngoài.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, thời gian tới, cơ quan thuế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế, chú ý tiến hành kiểm tra ngay trong tháng sau đối với các doanh nghiệp xin hoàn số thuế không lớn, tốn ít thời gian kiểm tra. Đối với trường hợp các doanh nghiệp xin hoàn số thuế lớn nhưng lỗ liên tục, hoặc tốn nhiều thời gian kiểm tra (hoặc nghi ngờ có dấu hiệu gian lận thuế) thì đề xuất ngay để các phòng thanh tra tiến hành thanh tra sau hoàn ngay.
M.Phương - A.Tùng