Nóng bỏng cuộc chiến chống hàng lậu

Thời điểm cuối năm, buôn lậu hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp. Do công tác quản lý còn nhiều bất cập, hàng lậu dễ có cơ hội tung hoành trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước.


Hàng lậu tăng đột biến


Tại các chợ bán buôn, kinh doanh mặt hàng thực phẩm, nguyên phụ liệu thực phẩm như chợ Kim Biên, Bình Tây (quận 6, TP Hồ Chí Minh), hoạt động buôn bán, vận chuyển bánh, kẹo, rượu bia, nước ngọt lậu, đặc biệt là đường cát Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam diễn ra thường xuyên.


Thuốc lá lậu bị bắt giữ ở Long An, tháng 11/2013.


Theo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, số lượng hàng hóa nhập lậu bị thu giữ tăng đột biến. Cụ thể, trong quý 3/2013, hơn 21 tấn đường Thái Lan nhập lậu; gần 128 tấn bánh, kẹo, rượu bia, nước ngọt… nhập lậu từ nước ngoài bị thu giữ. Trong 10 tháng đầu năm 2013, QLTT TP đã phát hiện 960 vụ hàng nhập lậu với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.


Những ngày cuối tháng 11, trong vai người có nhu cầu mua đường cát trắng để sản xuất mứt, kẹo phục vụ Tết Nguyên đán, phóng viên được một chủ sạp đường tại chợ Bình Tây ra giá: “Nếu em lấy đường cát Thái Lan, chị để giá 13.700 đồng/kg. Còn mấy loại đường sản xuất trong nước thì gần 15.000 đồng/kg, lấy đường đó thì sao có lời được. Bây giờ đang vào mùa làm hàng Tết nên mặt hàng đường cát Thái Lan bán chạy lắm”.


Nhiều năm qua, cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng đường cát Thái Lan nhập lậu từ Campuchia vào tiêu thu trong nội địa. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, tình trạng buôn lậu đường cát tại các tỉnh giáp biên giới như Đồng Tháp, An Giang… lại càng diễn biến phức tạp.
Tại thị trường phía Bắc, tình trạng nhập lậu hàng hóa qua biên giới cũng phức tạp không kém. Mới đây, tại chợ Cốc Lếu (TP Lào Cai), Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Lào Cai) đã phát hiện và bắt giữ gần 250 kg thực phẩm đông lạnh nhập lậu gồm 117 kg xúc xích, 50 kg chả cá, 39 kg chân gà và 38 kg vịt mổ sẵn. Tất cả được đựng trong túi nilông, trên bao bì không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng.


Chủ công kêu khó


Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) nhận định, chống hàng lậu ở Việt Nam là vấn đề rất gian nan và phải lâu dài mới giải quyết được. “Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu lực lượng QLTT phải đóng vai trò chủ công trong chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Nói thực là những cố gắng của lực lượng QLTT trong thời gian qua chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của Nhà nước và người dân”, ông Hùng khẳng định.


Hiện nay, có sự “cắt khúc” trong công tác QLTT. Cục QLTT chỉ quản lý về mặt nghiệp vụ, lực lượng thì ít (khoảng 6.000 kiểm soát viên trên 63 tỉnh, thành) nhưng phải quản lý hầu hết các mặt hàng lưu thông trên thị trường. Bởi vậy, việc kiểm soát hàng lậu còn gặp nhiều khó khăn.


Trước diễn biến phức tạp của hàng lậu trong thời điểm cuối năm, vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Chi cục QLTT TP tập trung kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ giá cả thị trường; phát hiện, xử lý cơ sở sản xuất, tàng trữ, đầu mối tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu. Để thực hiện nhiệm vụ trên, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP, cho biết: “Các mặt hàng được chúng tôi tập trung kiểm tra gồm: thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, bia, nước giải khát, sữa, dầu thực vật, bột và tinh bột, thực phẩm các loại, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, phân bón, hóa chất công nghiệp, hương liệu, phụ gia thực phẩm”.


Tuy nhiên, để ngăn chặn hàng lậu hiệu quả thì vai trò của lực lượng chức năng khu vực các cửa khẩu biên giới vẫn là quan trọng nhất. Thượng tá Bùi Trung Dũng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, cho biết: Hiện nay, lực lượng liên ngành đã lập chốt, tuần tra kiểm soát các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới huyện An Phú và Châu Đốc để ngăn đường cát và thuốc lá lậu tràn vào nội địa. “Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu ngày càng gian nan hơn bởi thủ đoạn của các đối tương buôn lậu ngày càng tinh vi hơn. Thay vì vận chuyển với số lượng lớn, tập kết ở một điểm; giờ các đối tượng này chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ, tập kết nhiều nơi, sau đó mới đưa đi tiêu thụ”, ông Dũng cho biết.


Một bất cập khác, theo ông Trần Hùng, là việc tiêu hủy một số hàng lậu rất phức tạp, tốn kém. “Hiện chúng ta chưa có cơ chế xử lý các loại hàng lậu là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Khi thu giữ những loại hàng này xong, chúng tôi không biết tiêu hủy ở đâu. Nếu tiêu hủy đúng quy trình thì rất tốn kém”, ông Hùng cho hay.


Ông Hùng nhấn mạnh, ngăn hàng lậu không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước; mà còn là trách nhiệm của người dân. Chỉ khi người dân nói không với hàng lậu thì khi đó, hàng lậu sẽ không còn “cửa” tung hoành trên thị trường.


Hoàng Dương - Anh Đức

Gian nan chặn hàng lậu từ vùng biên
Gian nan chặn hàng lậu từ vùng biên

Những ngày cuối tháng 11, khi màn sương trên rẻo cao Lào Cai còn ẩn hiện, chúng tôi đã có mặt tại Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Lào Cai) - nơi được coi là đơn vị nòng cốt và tiên phong trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN