Chuẩn bị phôi thép phục vụ sản xuất tại công ty Gia Sàng năm 2010. Ảnh: Hà Thái - TTXVN |
Đại diện các cơ quan liên quan đã đến dự. Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức xây dựng, với tổng diện tích mặt bằng hơn 22ha, đi vào sản xuất từ năm 1975.
Công ty từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng, từng là doanh nghiệp thép có quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc. Đến ngày 1/1/2007, Công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó vốn sở hữu Nhà nước gần 40%; vốn của ông Lê Xuân Hộ - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty là 40%; của cán bộ công nhân viên còn lại trong công ty là 20%.
Từ khi được cổ phần hóa, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty ngày một đi xuống và liên tục thua lỗ. Chỉ riêng năm 2010 lãi 15,375 tỷ đồng. Năm 2011 lỗ hơn 21 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 28 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, công ty này lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng và đã ngừng sản xuất từ tháng 1/2013 đến nay.
Ngày 29/7/2014, ông Lê Xuân Hộ đã bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên thực hiện lệnh bắt khẩn cấp vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hiện nay, tổng các khoản nợ của Công ty là khoảng 200 tỷ đồng, trong đó có một số khoản nợ lớn như: nợ Ngân hàng Công thương Việt Nam; nợ lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của người lao động… Trong khi đó, toàn bộ hoạt động của Công ty đã ngừng hẳn khiến khoảng 300 công nhân lao động bị mất việc hoàn toàn.
Tình hình càng thêm căng thẳng khi Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên đã ra quyết định số 60/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế giao tài sản trúng giá đấu thầu cho đơn vị trúng thầu đấu giá tài sản của Công ty để thi hành án do Công ty bị Ngân hàng kiện ra tòa dân sự.
Nếu quyết định này được thực hiện, toàn bộ tài sản của Công ty gồm máy móc, các thiết bị thuộc dây chuyền sản xuất sẽ bị thu hồi và được định giá hơn 35,8 tỷ đồng để trả nợ. Như vậy, chắc chắn Công ty không còn cơ hội nào để khắc phục khó khăn, hồi phục sản xuất.
Sau khi nghe đại diện các đơn vị liên quan thông tin nhanh về tình hình của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng và thực trạng hiện nay của đơn vị này, đại diện các cơ quan tham gia buổi làm việc đều cho rằng: Đây là vụ việc phức tạp ở nhiều khía cạnh khác nhau, phức tạp ở mối quan hệ giữa các cổ đông trong Công ty, phức tạp giữa Công ty và người lao động liên quan đến an sinh xã hội và quyền lợi của người lao động….
Việc thực hiện quyết định, bản án của toà án đã có hiệu lực pháp luật là cần phải thực hiện, song việc thi hành án cũng cần đảm bảo quyền lợi của các bên gồm Ngân hàng, người lao động và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần xem xét đến phương án kêu gọi nhà đầu tư có năng lực đồng ý mua lại toàn bộ cổ phần của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng, thanh toán các khoản nợ và từng bước tái hoạt động sản xuất.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Tổng cục thi hành án Dân sự thống nhất “nới” thời gian thi hành án thêm 1 tháng nữa để Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng đưa ra phương án tái hoạt động sản xuất. Sau thời gian trên, nếu Công ty vẫn không có giải pháp khả thi, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành các thủ tục để cưỡng chế, bàn giao tài sản cho người đã trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.