Theo luật sư Trần Minh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Luật Basico, Nghị định 128/2021/NĐ-CP cho phép các nhà đầu tư cá nhân có quyền nhận lại tiền mua trái phiếu và quyền yêu cầu công ty phát hành bồi thường thiệt hại trong vòng 60 ngày, kể từ ngày có quyết định xử lý của UBCK.
“Nguy cơ lớn nhất thuộc về những cá nhân mua trái phiếu - chủ nợ nhưng không phải là chủ nợ chuyên nghiệp như ngân hàng. Thông thường ngân hàng cấp tín dụng, doanh nghiệp sẽ phải trải qua trình tự đánh giá thẩm định rất chặt. Ngân hàng chỉ giải ngân nếu nắm chắc được tài sản bảo đảm đủ xử lý trong trường hợp nợ xấu. Còn với nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu hiếm khi nhận thức rõ ràng các vấn đề rủi ro về năng lực tài chính, phương án kinh doanh, thậm chí tài sản bảo đảm có hay không giá trị đủ để xử lý nợ. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ hậu quả sẽ phát sinh hết cho người mua trái phiếu”, luật sư Trần Minh Hải cho biết.
Đối với giới trung gian tư vấn, luật sư Trần Minh Hải cho rằng: Trách nhiệm của họ giới hạn trong phạm vi những vấn đề cam kết cùng doanh nghiệp phát hành. Khó mà đòi hỏi về trách nhiệm của họ. Điều cần thiết đó là sự kiểm soát lại trật tự tham gia vào phân phối trái phiếu trên thị trường thứ cấp của những tổ chức trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán. Về mặt lý thuyết, các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có quyền khiếu nại nếu cho rằng mình không thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp hủy các đợt trái phiếu đã phát hành. Trường hợp không phản đối với quyết định từ phía UBCK, Tập đoàn này sẽ phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Theo quy định, việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải tuân thủ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, căn cứ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 9 Luật Chứng khoán quy định thẩm quyền của UBCK Nhà nước “đình chỉ, hủy bỏ liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán” nên cơ quan này đã quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCK vẫn có quyền xử lý trong trường hợp này. Theo đó, UBCK có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi chứng khoán đã phát hành, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Biện pháp này được quy định áp dụng trong một số trường hợp như: Công ty phát hành sử dụng tiền thu được từ chào bán không đúng với phương án, nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư, thay đổi điều kiện trái phiếu đã phát hành…
“Trách nhiệm và những công việc tiếp theo chắc chắn là các cơ quan liên quan với tổ chức phát hành, với tổ chức bảo lãnh để thống nhất phương án xử lý giải quyết. Vấn đề nổi cộm từ lâu là chất lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, thông tin còn thiếu minh bạch, tài sản đảm bảo chưa được chú trọng... Đây là thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý và các nhà đầu tư”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng: Việt Nam cần sớm thành lập và cho phép vận hành các công ty định hạng, xếp hạng tín nhiệm tín nhiệm để giúp việc phát hành chứng khoán nói chung và phát hành trái phiếu nói riêng được công khai, minh bạch xếp hạng, từ đó nhà đầu tư đưa ra quyết định của mình.
Theo khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành; đồng thời phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
"Nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì rất khó xử lý. Theo đó, các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc", luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) cho biết.
Đề cập vụ việc ông Đỗ Mạnh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì trái phiếu chưa được đáo hạn - gây rúng động dư luận, luật sư Hoàng Tùng - Văn Phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng: Trái phiếu chưa được đáo hạn là xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản của các chủ sở hữu trái phiếu do doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành. Về bản chất, trái phiếu là chứng chỉ ghi nhận nợ của tổ chức phát hành và quyền sở hữu đối với một phần vốn vay của chủ sở hữu.
“Việc Tân Hoàng Minh không đáo hạn trái phiếu đúng kỳ hạn đồng nghĩa với việc chậm nghĩa vụ trả nợ. Cụ thể, Tân Hoàng Minh không đáo hạn trái phiếu đến kỳ hạn và phát hành hàng loạt trái phiếu mới tương tự như việc doanh nghiệp nợ cũ chưa thanh toán xong thì lại tiếp tục vạy nợ mới nhằm tạo dòng tiền mới để thanh toán cho trái phiếu đáo hạn. Việc chậm đáo hạn trái phiếu của Tân Hoàng Minh có thể gây hình ảnh "ảo" về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới giá của trái phiếu, tạo sự giả tạo trong quan hệ cung - cầu. Đây có thể được xem là thủ đoạn gian dối trong hành vi của doanh nghiệp này”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Ngay sau khi có quyết định của UBCK hủy 9 đợt phát hành với tổng số tiền lên tới 10.030 tỷ đồng của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, phía Tập đoàn này cho hay, đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất. Với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, Tập đoàn sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.