Bốn bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương), Lý Thanh Châu (cựu thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) và Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng, Tổng Công ty Bình Dương).
Trong đơn kháng cáo, 4 bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ phạm tội và hậu quả hành vi phạm tội của họ. Các bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ như: lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn…
Trước đó, tháng 8/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại tỉnh Bình Dương. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương Trần Nguyên Vũ bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 11 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Cựu thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương Lý Thanh Châu bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù. Cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty Bình Dương Đỗ Thị Thanh Thúy bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Trần Thanh Liêm với chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Bình Dương. Dù bị cáo Trần Thanh Liêm biết rõ việc chuyển nhượng đất là trái quy định, nhưng đã không có quyết định ngăn chặn mà vẫn tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương) thực hiện một loạt hành vi sai phạm về đất đai.
Tòa án xác định, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương giao đất cho Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, khi đó là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Sau khi được giao đất, việc giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành nhưng Nguyễn Văn Minh đã có chủ trương quy hoạch, nhằm biến khu đất thành sân golf, trường đua, để liên doanh hoặc chuyển nhượng cho đối tác. Vì động cơ vụ lợi, ông Minh đã chỉ đạo chuyển nhượng trái phép 43ha đất và 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc của con rể là Nguyễn Đại Dương, gây thất thoát hơn 900 tỷ đồng. Đối với khu đất 145ha, ông Minh tự ý vào góp vốn vào Công ty Tân Thành mà không xin ý kiến của cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương, gây thiệt hại hơn 4.030 tỷ đồng.
Ngoài ra, quá trình mua bán cổ phần tại Tổng công ty 3/2, ông Minh và đồng phạm còn tham ô hơn 815 tỷ đồng, trong đó ông Minh chiếm hưởng 163 tỷ, người con gái là Nguyễn Thục Anh chiếm hưởng 200 tỷ đồng.
Tòa án sơ thẩm kết luận, Nguyễn Văn Minh chịu trách nhiệm chính và cao nhất đối với tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Minh với động cơ vụ lợi, đã chỉ đạo chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha, là tài sản được giao cho Tổng Công ty 3/2, sang Công ty Âu Lạc do con rể là bị cáo Nguyễn Đại Dương điều hành. Minh còn tạo điều kiện cho các công ty sân sau được tham gia quá trình chuyển nhượng đất. Mục đích là để hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản thuộc doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang tư nhân. Những sai phạm của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm gây thất thoát hơn 1.570 tỷ đồng.