Ngang nhiên san ủi hơn 2.600m2 rừng phòng hộ ở Đại Từ, Thái Nguyên

Ngay trong những ngày đầu năm 2019, Tổ công tác của UBND xã Cù Vân, xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) và Hạt Kiểm lâm Đại Từ, Ban Quản lý rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc đã tiến hành kiểm tra rừng tận gốc và phát hiện các đối tượng có hành vi sử dụng máy chuyên dùng san ủi trong rừng phòng hộ tại khu vực giáp ranh hai xã Cù Vân và Tân Thái.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản, đình chỉ mọi hoạt động san ủi, tạm giữ hai máy chuyên dùng san ủi trong khu vực rừng phòng hộ và thực hiện các bước xử lý theo quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Hai chiếc máy đào mà các đối tượng dùng để san ủi rừng phòng hộ đang bị tạm giữ tại sân Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ. Ảnh: baothainguyen.org.vn

Theo thông tin ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, diện tích rừng bị xâm hại thuộc quyền sở hữu và sử dụng của vợ chồng ông Trần Văn Mến và bà Nguyễn Thị Hạnh, hộ khẩu thường trú tại đội 13, xóm Bắc Máng, xã Cù Vân.

Ông Mến, bà Hạnh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất rừng này từ năm 2008 với tổng diện tích 105.000 m2, gồm 4 thửa tại tờ bản đồ số 57. Diện tích rừng này ông Mến hợp đồng trồng, chăm sóc rừng theo Dự án 661 với Lâm trường Đại Từ. Về chủ thể quản lý, phần diện tích thuộc xã Tân Thái do Ban Quản lý rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc quản lý và diện tích thuộc xã Cù Vân do UBND xã Cù Vân quản lý.

Căn cứ bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2013 của hai xã, toàn bộ diện tích bị san ủi đều là rừng phòng hộ thuộc khoảnh 6, tiểu khu 153 (xã Cù Vân) và khoảnh 9, tiểu khu 152 (xã Tân Thái).

Hai máy chuyên dùng là loại máy đào bánh lốp dùng để san ủi tại rừng phòng hộ đã được cơ quan chức năng tạm giữ tại sân Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, trong đó, một xe biển kiểm soát 99LA-0183, do Hà Ngọc Luận (cư trú tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) trực tiếp cầm lái.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, Luận đã thực hiện hành vi san ủi trái phép gây thiệt hại 500 m2 rừng phòng hộ. Chiếc xe thứ hai có biển kiểm soát 34LA-0392 do Bùi Văn Thể (địa chỉ thường trú tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) cầm lái. Thể đã điều khiển xe thực hiện san ủi trái phép gây thiệt hại 2.125m2 rừng phòng hộ.

Làm việc với các cơ quan chức năng, hai đối tượng cho biết được ông Trần Xuân Chính (sinh năm 1975, trú tại xóm Tân Thành, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên) - người mua lại diện tích rừng của ông Mến (vào năm 2017) thuê để san ủi diện tích rừng nói trên.

Căn cứ Luật Lâm nghiệp, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, lực lượng chức năng huyện Đại Từ đã xác định hành vi vi phạm của các đối tượng.

Theo đó, cả ba đối tượng đã vi phạm điểm C, khoản 2 và khoản 5, Điều 20 của Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của vụ việc nghiêm trọng này thuộc Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sau khi điều tra, xác minh các hành vi vi phạm của các đối tượng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất mức xử phạt đối với ông Trần Xuân Chính đã có hành vi thuê Hà Ngọc Luận và Bùi Văn Thể sử dụng xe cơ giới san ủi, phá rừng phòng hộ trái phép gây thiệt hại hơn 2.600 m2 đất rừng phòng hộ và 25,2 m3 gỗ rừng với mức phạt là 40 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Chính phải trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng trên diện tích đã bị xâm hại. Đối tượng Hà Ngọc Luận chịu mức phạt hành chính 7,5 triệu đồng; đồng thời chịu mức phạt bổ sung là nộp 1 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, tương đương giá trị công cụ vi phạm là chiếc máy đào bánh lốp biển kiểm soát 99LA-0183.

Đối tượng Bùi Văn Thể bị đề xuất mức phạt hành chính 40 triệu đồng và hình phạt bổ sung là 1,1 tỷ đồng, tương đương giá trị công cụ vi phạm là chiếc máy đào bánh lốp biển kiểm soát 34LA-0932 theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc đã hoàn chỉnh và đang đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên xử phạt theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Khó khăn khi giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng phòng hộ Sóc Sơn
Khó khăn khi giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng phòng hộ Sóc Sơn

Xã Minh Phú (Sóc Sơn - Hà Nội) đang gặp khó khăn trong việc cưỡng chế, giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng phòng hộ đặc dụng - bảo vệ môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN