Mập mờ chỉ giới - 'cát tặc' bùng phát

Lợi dụng sự mập mờ chỉ giới lòng sông giữa các xã ven sông thuộc huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép hoành hành công khai khiến hàng chục ha đất màu của người dân bị sạt lở, tài nguyên bị “chảy máu”, gây mất an ninh trật tự... Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa thể xử lý dứt điểm.

“Cát tặc” lộng hành tinh vi

Nhằm phục vụ hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đến tháng 10/2017, Phú Thọ đã cấp 4 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông Lô. Ngoài những doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, nhiều đối tượng không được cấp phép nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, lén lút khai thác cát trái phép, nhất là vào thời điểm ban đêm ở những địa bàn giáp ranh, gây biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Hàng trăm ha đất nông nghiệp mầu mỡ dọc hai bờ dọc Sông Lô thuộc địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc bị xóa sổ và đang dần bị xóa sổ. Ảnh: TTXVN

Dọc bờ sông Lô, đoạn qua xã Tử Đà, huyện Phù Ninh có chiều dài 3,2 km nhưng có tới hàng chục tàu chở, tàu múc neo đậu, sang mạn, thậm chí nhiều tàu múc ngang nhiên khai thác cát giữa lòng sông.

Ghi nhận của phóng viên vào ngày 5/6, tại khu 3, xã Từ Đà cho thấy, 2 tàu múc đang “ăn” cát. Những gầu múc “khổng lồ” nhanh như cắt cắm sâu xuống dòng sông “goặm” tài nguyên cát mịn màng đổ vào tàu chở để mang đi tiêu thụ. Điều lạ, khi thấy phóng viên tác nghiệp, toàn bộ 2 tàu cẩu và 1 tàu chở lập tức tời neo, rửa máy, di chuyển một phần sang phần chỉ giới thuộc huyện Sông Lô, còn tiếng máy vẫn nổ như không có chuyện gì xảy ra.

Ông Trần Văn Cường, khu 3, xã Tử Đà bức xúc nói: Gần 2 tháng nay, tình trạng khai thác cát diễn ra hàng ngày. Các tàu đều không có biển hiệu, số tàu nhưng liên hoàn múc cát giữa lòng sông. Người dân nơi đây không biết tàu “ăn” cát thuộc đơn vị nào. Có hôm, nhiều tàu còn tiến sang phần mặt nước thuộc xã Tử Đà để khai thác. “Tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì nguy cơ sạt bờ kè, công trình trạm bơm vừa được đầu tư 4,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa của xã cũng bị uy hiếp. Thậm chí, sạt lở vào cả nhà chúng tôi…” ông Cường nói.

Tại khu 4, xã Tử Đà, hàng chục tàu chở cát khổng lồ sang mạn, đây là hoạt động chuyển cát giữa lòng sông, phần nhiều thuộc về phía huyện Sông Lô. Cát sang mạn từ các tàu chở có công suất nhỏ lấy cát ở vùng thượng nguồn sông Lô sang các tàu lớn trở đi. Theo người dân nơi đây, phía sau khu vực sang mạn thường xuyên có 1 đến 2 tàu hút cát trộm, gây sạt lở nhiều diện tích đất màu.

Xã Tử Đà có khoảng 1.200 hộ, trong đó có tới 90% số hộ có diện tích bị sạt lở do tình trạng hút cát gây ra. Nhiều người dân nơi đây cho biết, hơn một tháng nay, đêm nào cũng có 1 đến 2 tàu từ phía huyện Sông Lô sang múc cát.  Lợi dụng thời điểm  nhập nhoạng tối, những ngày nghỉ, “cát tặc” đưa tàu vào gần bờ phía bên Tử Đà để múc cát trộm, khiến nhiều diện tích trồng ngô của các hộ dân bị sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà Hà Kế Tài khẳng định, đã 2 tháng nay trên địa bàn xã xảy ra tình trạng khai thác cát trộm giữa ban ngày, thậm chí cả ban đêm và những ngày nghỉ cuối tuần. Do tàu khai thác không có biển hiệu nên chính quyền không biết của ai. Sau khi phát hiện có tàu hút cát trộm, xã đã bố trí theo dõi, kiểm tra liên tục. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng ra đến hiện trường, toàn bộ tàu khai thác đã chạy về phía huyện Sông Lô.

“Những đối tượng hút cát trộm có hình thức rất tinh vi, dùng chiêu bài “nửa vời”. Tức là, các đối tượng đặt tàu giữa lòng sông và hệ thống máy nổ được trang bị giảm thanh để tiếng nổ phát ra rất bé. Với chiêu thức này, khi các đối tượng phát hiện cơ quan chức năng kiểm tra, toàn bộ phương tiện đang “ăn” cát sẽ di chuyển xa theo hướng về bên kia dòng sông Lô. Vì thế cơ quan chức năng rất khó xác định được vị trí, chỉ giới, mốc giới của “cát tặc”. Trước thực trạng này, xã Tử Đà đề nghị cơ quan chức năng các cấp hỗ trợ địa phương về phương tiện để giữ đất màu bãi soi của nhân dân trong xã”, ông Tài cho biết.

Cùng chung tình trạng với xã Tử Đà, ông Lê Xuân Kết, Chủ tịch UBND xã Bình Bộ (Phù Ninh) cho hay, đã nhiều lần xã chỉ đạo lực lượng công an đuổi các tàu hút cát trái phép nhưng lại gặp khó khăn như: Không có phương tiện, thời gian các tàu khai thác chủ yếu vào ban đêm đến rạng sáng, khu vực khai thác trái phép lại ở giữa sông, giáp ranh hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc và xã không đủ thẩm quyền xử phạt hành chính.

Khó xử lý vì chỉ giới mập mờ

Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh Lưu Quang Huy cho biết, mọi hoạt động khai thác cát diễn ra trên địa bàn xã Tử Đà hiện nay là hoàn toàn trái phép. Tuy nhiên, phương tiện khai thác nằm vị trí bên huyện Sông Lô nên khó xử lý.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh, sau khi nhận được tin báo của nhân dân lực lượng công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tiến hành kiểm tra; đồng thời, huyện chỉ đạo xã Tử Đà thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi, khi phát hiện có tàu hút cát trộm phải nhanh chóng báo cáo huyện để kịp thời xác định vị trí, xử lý.

Ông Hoàng Văn Luyện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Ninh cho hay, hiện nay, khó khăn nhất trong kiểm tra xử lý cát sỏi trái phép là đơn vị chưa được trang bị phương tiện di chuyển trên sông để tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, “cát tặc” thường lợi dụng buổi tối, ngày nghỉ, địa hình giáp danh giữa hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc để hoạt động; các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép thường theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để tránh bị phát hiện. Cùng với đó, việc xác định vị trí "cát tặc" hoạt động cũng gặp khó khăn bởi các đối tượng khai thác cát thường xuyên di chuyển khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện…

Các tàu hút cát hoạt động tại sông Lô, đoạn xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

Theo ông Trương Tiến Dũng, Trưởng Công an xã Bình Bộ, việc xử lý “cát tặc” gặp khó khăn do công an xã không đủ thẩm quyền bắt  giữ mà phải báo cáo Công an huyện. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng xuống tới nơi, các đối tượng khai thác cát trái phép đã ngừng hoạt động, chạy sang khu vực khác.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trái phép trên các tuyến sông chạy qua địa bàn, thời gian qua, Phú Thọ đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện, xử lý vi phạm; lập các tổ chốt an ninh trực 24/24 giờ tại các xã là điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi để theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát sỏi.

Phú Thọ cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác trong chỉ giới được cấp phép; đăng ký số lượng, chủng loại, biển hiệu các phương tiện tàu, thuyền khai thác cát sỏi của đơn vị và đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của công nhân vận hành khai thác với UBND các xã có mỏ và cơ quan chức năng liên quan. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương dọc tuyến sông Lô kịp thời phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và xử lý theo quy định của pháp luật.


Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Cát tặc móc ruột lòng sông, ruộng đồng bị xóa sổ
Cát tặc móc ruột lòng sông, ruộng đồng bị xóa sổ

Từ giữa năm 2017 đến nay, nhiều diện tích đất ven sông của các xã, phường ở thành phố Hưng Yên, trong đó phần lớn đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do các tàu khai thác cát khối lượng lớn gây ra; thêm vào đó, nguy cơ sạt lở đê kè trong mùa mưa bão luôn đe dọa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN