Mới đây, lực lượng Hải quan Hà Nội phát hiện, bắt giữ một vụ án vận chuyển 7 kg viên nén nghi ma tuý tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Thủ đoạn cất giấu của vụ việc lần này khá tinh vi.
Qua công tác nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát phòng chống ma túy và kiểm tra qua máy soi, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) phát hiện một kiện hàng vận chuyển từ Đức về Việt Nam qua đường hàng không có dấu hiệu nghi vấn. Trong lô hàng trọng lượng 8 kg được gửi từ Berlin (Đức) về Việt Nam qua đường hàng không, lực lượng chức năng phát hiện chiếc máy lọc nước có nghi vấn và kiểm tra thực tế.
Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện lượng lớn viên nén cất giấu trong chiếc máy lọc này, tổng hợp được cất giấu trong máy lọc không khí, tổng trọng lượng hơn 7 kg. Lực lượng chức năng đã triển khai test nhanh các viên nén màu vàng với chất thử ma túy MDMA. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục xử lý.
Hoặc có trường hợp, một số đối tượng còn ngụy trang tinh vi các gói tang vật ma túy dưới đáy của các hộp mỹ phẩm được đóng gói tinh vi, trà trộn lẫn với bánh kẹo, cà phê và các mặt hàng tiêu dùng khác hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Trường Giang, lượng Hải quan đã áp dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên thay đổi, trong đó thu thập thông tin trong nước và nước ngoài, chú trọng về hành vi, thủ đoạn cất giấu để có thể đấu tranh với nhóm tội phạm nguy hiểm này và phá thành công nhiều chuyên án lớn.
Từ vụ Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ hơn 11 kg ma túy do 4 nữ tiếp viên hàng không vận chuyển từ Pháp về Việt Nam ngày 16/3, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 27 vụ án, với 78 bị can có liên quan.
Theo đó, lực lượng đấu tranh chuyên án đã làm rõ phương thức, thủ đoạn lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân và các đơn vị bưu điện, chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy. Qua đó triệt phá 20 đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên quan trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương; khởi tố 27 vụ án, 78 bị can về các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm; thu giữ gần 50 kg ma túy tổng hợp các loại, hai khẩu súng và nhiều tang vật liên quan.
Trước đó, ngày 16/3, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) phát hiện lô hàng hóa khoảng 60 kg, gồm: 4 vali của các tiếp viên Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thuỷ và Đặng Phương Vân có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đội 6- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra, phát hiện trong 4 vali, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.
Tiến hành kiểm tra bên trong các tuýp kem đánh răng nêu trên, phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gram ma túy các loại Ketamine và MDMA.
Đề cập về tình hình mua bán vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết: Trong quý I/2023, tuy không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Nổi lên, các hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, đường cát, hàng đông lạnh, thực phẩm… không rõ nguồn gốc.
Cụ thể trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm đáng kể do hoạt động rào chắn trên toàn tuyến biên giới; hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế chuyển hướng qua các cửa khẩu trọng điểm. Đối với tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, lợi dụng sự thông thoáng về chế độ, chính sách, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi, hàng hóa, hành lý…, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, các loại hàng hóa, tiền tệ… như ma túy tổng hợp, vũ khí, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, các loại hàng hóa có giá trị cao… qua các cảng hàng không quốc tế.
“Nổi lên, trong quý I/ 2023, hoạt động mua bán, vận chuyển các chất ma túy qua đường hàng không quốc tế gia tăng cả về số vụ việc và khối lượng tang vật vi phạm; hoạt động vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp trên các chuyến bay từ Châu Âu, Hoa Kỳ qua các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất vào Việt Nam có chiều hướng tăng”, ông Lê Thanh Hải cho biết.
Trong quý I/2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022); 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ/679 đối tượng.
Hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài diễn biến phức tạp
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03), Bộ Công an) Vũ Như Hà cho biết: Hoạt động buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, nhất là qua đường tiểu ngạch có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại. Qua nhiều chuyên án triệt phá gần đây cho thấy, mặc dù lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục C03 đã triệt phá một số đường dây rất lớn nhưng hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài còn diễn biến phức tạp thông qua hoạt động thanh toán hợp đồng ngoại thương, gây “chảy máu” ngoại tệ. Cục C03 đang xác lập chuyên án đấu tranh cùng với Tổng cục Hải quan.
Thời gian tới, CO3 đề nghị cơ quan Thuế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phối hợp chặt chẽ kiểm soát hoạt động này. Về hoạt động nhập lậu vàng, mặc dù các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã phối hợp triệt phá các đường dây nhưng vẫn còn xuất hiện nhiều đường dây tổ chức mới. Thời điểm đầu năm 2023, Bộ Công an đã triệt phá đường dây nhập lậu 100 kg vàng/ngày.
“Bên cạnh nguyên nhân về chênh lệch giá trên thị trường, qua theo dõi còn do nhu cầu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang. Kể từ năm 2013 đến nay, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Để ổn định cho thị trường, cũng như tránh việc lợi dụng nhu cầu cung - cầu để buôn lậu vàng, kiến nghị NHNN rà soát quá trình quản lý”, ông Vũ Như Hà cho biết.