Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: Trường hợp địa phương đã có lệnh cấm kinh doanh, cấm tập trung đông người.. để chống COVID-19 mà người nào cố tình không chấp hành thì người vi phạm có thể bị phạt đến 10 triệu đồng theo quy định tại khoản 4, điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
Trường hợp “Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch” thì người vi phạm sẽ bị xử phạt đến 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 6 của điều luật này.
Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Nghiêm trọng hơn, hành vi cố tình còn thể bị xử lý hình sự tại điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 về “Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người” với mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng lên đến 12 năm tù; đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
"Việc ban hành “lệnh cấm” phải bằng Quyết định của Chủ tịch UBND cấp quận huyện hoặc Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương căn cứ vào quy định tại Điều 16, Điều 17, Nghị định 101/2010/NĐ-CP. Nội dung của “lệnh cấm” tập trung đông người để phòng chống COVID-19 phải ghi rõ tập trung bao nhiêu người thì sẽ bị cấm (gọi là đông người), cấm với ai, cẩm ở đâu, cấm giờ nào?… Lệnh cấm phải theo đúng thẩm quyền và đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 4, điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm năm 2007 thì mới có hiệu lực thực hiện", luật sư Đặng Văn Cường nói.