Luật sư nhận định về lỗi của các bên trong vụ án chồng sát hại vợ và nhân tình

Một vụ án mạng xảy ra tại Tuyên Quang khiến dư luận bàng hoàng, một người đàn ông đã ra tay sát hại vợ và nhân tình ngay ở nhà trọ. Hung thủ sẽ phải đối diện với khung hình phạt nào?

Chú thích ảnh

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tuyên Quang vừa khởi tố bị can đối với T.V.L, sinh năm 1988, xã Sơn Nam, Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định, do mâu thuẫn tình cảm vợ chồng nên T.V.L và chị Trần Thị V (sinh năm 1987) sống ly thân. Chị V dọn về ở tạm tại nhà trọ ở thôn Bình Man (xã Sơn Nam) nhưng lại đưa anh Trần Xuân Ph (trú tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) về ở cùng như người tình. Nắm được thông tin, T.V.L đã cầm dao xông đến khu nhà trọ đâm, chém vợ và nhân tình của vợ. Hậu quả, anh Ph tử vong ngay tại chỗ, chị V tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Sau khi gây án, T.V.L đã ra cơ quan công an đầu thú.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 26/3, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Căn cứ quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, hiện vẫn chưa có khái niệm cụ thể lý giải thế nào là ly thân? Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản: Ly thân là việc vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân chưa hoặc không chấm dứt. Điều đó có nghĩa rằng trong thời gian ly thân, quan hệ vợ và chồng vẫn được pháp luật ghi nhận và chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình”.

Theo luật sư Hoàng Tùng, mục đích của ly thân là nhằm giải quyết mâu thuẫn vợ chồng, tránh tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho các bên cân nhắc kỹ trước khi ly hôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian ly thân, các cặp vợ chồng thường xảy ra nhiều vấn đề. Vụ việc người chồng sát hại vợ và người tình của vợ ở tỉnh Tuyên Quang là minh chứng rõ ràng.

“Xét về mặt đạo đức, dù ly thân nhưng giữa vợ và chồng vẫn nên có sự tôn trọng lẫn nhau, nhất là khi cả hai vẫn còn sống chung một mái nhà; Xét ở góc độ pháp luật, quan hệ vợ chồng hợp pháp giữa chị V và anh L vẫn tồn tại trong thời gian ly thân. Hành vi chị V dẫn nhân tình về nhà trọ chung sống đều thể hiện lỗi. Đối với T.V.L trong vụ việc này, hành vi giết vợ cùng nhân tình của vợ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh Giết người”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Theo ý kiến của nhiều luật sư, hành vi giết người của bị can T.V.L mang lỗi cố ý. Hành vi giết 2 người được xác định là tình tiết tăng nặng đối với tội "Giết người". Theo đó, bị can T.V.L có thể bị truy tố theo khoản 1 Điều 123 Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015; mức phạt cao nhất đối với tội danh giết người theo khoản 1 là hình phạt tử hình".

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tội “Giết người” theo Điều 123 có 3 khung hình phạt. Khung 1 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 1); khung 2 là bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (khoản 2);  khung 3 là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm, đây là hình phạt bổ sung.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Luật sư nói gì về chiêu trò ‘dí bill’ ép khách thanh toán tiền?
Luật sư nói gì về chiêu trò ‘dí bill’ ép khách thanh toán tiền?

Để tăng doanh thu cho quán bar, cựu đại úy công an Lê Thị Hiền (sinh năm 1983) và các cổ đông góp vốn đã cho nhân viên áp dụng chiêu trò "dí bill" khách. Bị truy tố cùng 17 bị can khác về tội “Cướp tài sản” vì ép khách sử dụng dịch vụ của quán với giá “cắt cổ”, bị can Hiền sẽ phải đối diện với án phạt nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN