Vụ án đã xảy ra gần 1 năm, và cũng ngần thời gian ấy, ông Nguyễn Văn Trọng (SN 1971), ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Phước (Thạnh Hóa-Long An), đi gõ cửa kêu cứu đến các ngành chức năng để đòi lại công lý. Việc làm của ông được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Vì sao có nỗi bức xúc như vậy?
Từ kết luận của bản án
Ông Nguyễn Văn Trọng bức xúc trong bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thạnh Hóa về cái chết của con mình là Nguyễn Văn Tràng (SN 1988). Theo bản kết luận số 2/KL.CQCSĐT của cơ quan điều tra huyện Thạnh Hóa ngày 28/2/2011, thì lúc 21 giờ ngày 25/12/2010, nhà bà Phạm Thị The (SN 1971), ngụ ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phú (Thạnh Hóa) có tổ chức tiệc nhậu. Tại đây có hai nhóm thanh niên dự tiệc, gồm: Trần Văn Quốc (SN 1991), Hồ Văn Kiệt (SN 1988), Lê Văn Tú (SN 1989) Trần Văn Minh Vương (SN 1990), Lê văn Vinh (SN 1988) đều ngụ xã Thạnh Phú (Thạnh Hóa); Nguyễn Tấn Đạt (SN 1990), Nguyễn Phước Châm (SN 1990), Lê Văn Mười (SN 1990) và Nguyễn Văn Tràng (SN 1988) đều ở xã Thạnh Phước (Thạnh Hóa).
Ông Nguyễn Văn Trọng, chỉ chiếc vỏ lãi bị đụng dẫn đến bị chìm. |
Đến 23 giờ, tàn tiệc rượu ai nấy xuống vỏ lãi về nhà. Đến đoạn sông Cả Sáu thuộc xã Thạnh Phước, cả hai nhóm trên đã cự cãi và dẫn đến xô xát lẫn nhau trên sông. Hậu quả Nguyễn Văn Tràng tử vong tại chỗ. Qua kết luận của cơ quan điều tra Công an Thạnh Hóa, thì nguyên nhân dẫn đến tử vong của Nguyễn Văn Tràng là do Tràng dùng vỏ nhựa cháy máy 2H.66R đuổi theo đâm vào vỏ nhựa máy Mitsubihi 6.0HP của Quốc để Mười dùng cây đánh những người đi trên vỏ nhựa của Quốc. Khi vỏ nhựa của Tràng đâm vào vỏ nhựa của Quốc thì mũi vỏ nhựa của Quốc trúng vào vùng tai - góc hàm trái gây choáng, ngất dẫn đến Tràng chết ngạt. Vụ việc này không có dấu hiệu của tội phạm nên cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Hành vi đánh nhau của Trần Văn Minh Vương, Lê Văn Vinh và Lê Văn Mười bị xử phạt hành chính là 750 ngàn đồng.
Bức xúc của người dân
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng - cha nạn nhân Nguyễn Văn Tràng cho rằng, bản kết luận điều tra và quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thạnh Hóa nêu trên là không phản ánh đúng sự thật, khách quan, đã bỏ sót nhiều chứng cứ quan trọng. Ông cho rằng Tràng đã bị nhóm thanh niên kia đánh chết chứ không phải do tai nạn tử vong. Cũng theo ông Trọng, khi vớt thi thể của Tràng lên thì trên đầu của Tràng có rất nhiều chỗ bị tét, sọ của Tràng cũng bị nứt nhưng kết luận điều tra của Công an huyện Thạnh Hóa, không chứng minh được các vết thương này.
Chúng tôi đã tìm đến nhân chứng nơi xảy ra vụ án để tìm hiểu thêm sự việc. Tại đây, nhiều người cho rằng là một sự cố ý giết người. Theo chị Nguyễn Thị Mười Ba (SN 1968), ngụ ấp Ông Quới, xã Thạnh Phú, cho biết, chị thấy một người đang đeo theo be vỏ lãi và kêu “Cứu tao tụi bây ơi”, nhưng không biết là ai. Cùng lúc đó, có một người trên vỏ lãi (không biết tên) cầm cây đánh xuống lia lịa vào đầu của người đang đeo vỏ lãi làm người này buông tay rồi từ từ chìm xuống sông. Chị liền la lớn: “Trời ơi, chết rồi!”. Bởi vì theo chị Mười Ba, trong lúc đánh nhau, những thanh niên này rọi đèn rất sáng.
Hay bà Đặng Thị Mười (SN 1930), ngụ ấp Cả sáu, xã Thạnh Phước, thì người ở trên vỏ lãi đánh người ở dưới sông rất nhiều. Ở trên bờ, bà và nhiều người khác la lên. Bà Mười nghe rất rõ tiếng của người đánh trả lời “Đánh chết ở tù cũng được”. Sau đó, tiếng kêu cứu của một thanh niên bị đánh dần dần mất hẳn.
Còn anh Nguyễn Văn Lữ (SN 1972), ngụ ấp Ông Quới, xã Thạnh Phú ( Thạnh Hóa) thì cho biết: “Tôi thấy một đứa trên vỏ lãi máy dầu cầm cây đánh vào hai bên đầu và đánh bủa xuống vào đầu người đeo vỏ lãi liên tục nhiều cái. Tôi thấy rõ ràng người đeo vỏ lãi buông tay tay, từ từ chìm xuống sông”.
Anh Nguyễn Văn Tưởng, Xã đội phó xã Thạnh Phước, cho hay, nhận được tin của người dân, anh cùng một số người trong xã và Công an huyện đến xã Thạnh Phú làm việc với các đối tượng. Tại đây, anh đã thu tang vật, trong đó một chiếc võ lãi có chứa 3 khúc cây tràm dài khoảng 70cm, một cây dầm bẻ gãy nhọn khoảng 80 cm; một chiếc còn lại có một cây tràm dài khoảng 2m với một đầu bẻ gãy, một đầu vật nhọn. Điều này chứng tỏ có sự xô xát quyết liệt với nhau.
Lời kể của người trong cuộc
Theo Nguyễn Phương Châm – người cùng đi chung xuồng với Tràng, thì Tràng rủ Mười, Đạt, Châm cùng đi uống cà phê. Cả bốn người xuống xuồng và lúc này Châm dựa lưng vào Đạt ngủ. Tới Rạch Mũi, Châm giật mình vì có một chiếc vỏ lãi khác đụng vào chiếc vỏ lãi Tràng đang lái. Lúc này, mũi của 2 võ lãi dạt ra ngoài và không đụng vào người Tràng. Do vỏ lãi đụng quá mạnh, nước chảy vào vỏ lãi, Mười và Đạt ngồi phía trước nhảy xuống sông. Thấy vậy Châm cũng nhảy theo xuống nước và bơi vào bờ. Cả ba Mười, Châm, Đạt gặp lại khi cùng nhau chạy thoát thân vì bị truy đuổi. Sau đó, Châm và Đạt trở lại tìm Tràng, còn Mười được đưa vào nhà người quen trị vết thương do bị đánh trúng đầu.
Còn Lê Văn Mười, cùng nhóm với Tràng, đến giờ vẫn còn bần thần, nhớ lại: “Sau khi đi nhậu ở trong xóm, cả bọn về đến Rạch Mũi thì bị một chiếc vỏ lãi chạy máy xăng chặn đầu vỏ lãi của Tràng đang chạy, buộc Tràng phải tắt máy. Cùng lúc, một chiếc vỏ lãi khác của nhóm kia chạy theo sau cách khoảng 10 m thì cũng tắt máy. Cả ba chiếc đậu lại chửi với nhau một lúc thì chiếc vỏ lãi chạy bằng máy xăng nổ máy, đụng vào vỏ lãi của Tràng. Thấy vậy, Mười đang ngồi trước mũi vỏ lãi chụp một cây tràm đánh lại, trúng một người phía bên kia rơi xuống sông; đồng thời, cũng là lúc mũi của 2 chiếc vỏ lãi dạt ra và không nhìn thấy mũi vỏ lãi bên kia đụng vào Tràng. Cùng thời điểm này, vỏ lãi bị nước vào sau lái và cả bọn đều nhảy xuống sông. Bơi được 3 m. Mười bị chiếc vỏ lãi chạy máy xăng chặn lại đánh, Mười liền ôm chân máy để không bị chết chìm. Những người trên chiếc vỏ lãi dùng cây đánh vào người Mười tới tấp. Không chịu nổi trận đòn, Mười buông chân máy, kịp lặn xuống nước. Dịp may, có đám lục bình trôi ngang, Mười kịp lẩn trốn vào đó và từ từ bơi vào bờ. Nguyễn Văn Mười còn khẳng định, Tràng chết là do bị đánh chứ không phải do vỏ lãi đụng nhau.
Tận mắt chứng kiến chiếc vỏ lãi của Nguyễn Văn Tràng điều khiển, chúng tôi thấy ở mũi bị thủng một lỗ rất to, vỏ lãi cũng không có vết trầy xước do vỏ lãi khác trượt lên (như kết luận của cơ quan điều tra), lổ thủng này cho thấy vỏ lãi của anh Tràng điều khiển là do vỏ lãi của người khác đụng vào. Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu sự việc trên, chúng tôi còn phát hiện người thụ lý điều tra vụ án là ông Lê Văn Giúp - Kiểm sát viên huyện- cậu ruột của Hồ Văn Kiệt; Phó Công an xã Thạnh Phú, Bí thư xã Thạnh Phú là cậu ruột của Lê Văn Tú, là các đối tượng đánh nhóm của Nguyễn Văn Tràng. Bên cạnh đó, địa bàn xảy ra vụ án rất gần với UBND xã Thạnh Phước, thế nhưng, các ngành chức năng lại đưa về xử lý tại xã Thạnh Phú- nơi có người thân của các đối tượng đánh nhau, gây chết người, cách nơi xảy ra vụ án gần 3 km.
Phải chăng vì dính “dây mơ, rễ má” mà vụ án không được khởi tố? Thiết nghĩ, các ngành chức năng huyện nên xem xét lại vụ việc, xử lý đúng người, đúng tội, đem lại sự công bằng nhằm tạo lòng tin của người dân đối với cơ quan điều tra.
Thanh Bình