Theo đó, 2 đoàn công tác sẽ kiểm tra và đánh giá cụ thể, toàn diện công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng ven đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 28, qua đó làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Các nội dung trọng tâm bao gồm: công tác quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng; việc tổ chức thực hiện các ý kiến, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng; đề xuất các chính sách, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực; tham mưu, đề xuất cho cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm (nếu có). Tỉnh ủy cũng yêu cầu 2 đoàn công tác phải hoàn thành việc kiểm tra và báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2019.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 19 vụ đầu độc, phá rừng thông ven đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đắk Song) và Quốc lộ 28 (đoạn qua huyện Đắk G’Long). Tổng diện tích rừng bị phá hoại lên tới hơn 12 ha với hơn 3.100 cây thông khoảng 30 - 40 tuổi bị "bức tử". Đặc biệt, chỉ trong 3 ngày, từ ngày 18 - 20/9, trên lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông) quản lý đã xảy ra 3 vụ đầu độc, hủy hoại rừng thông với tổng diện tích hơn 3,6 ha và gần 1.000 cây thông.
Tình trạng đầu độc, tàn phá rừng thông phòng hộ tại ven đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 28 (đoạn qua tỉnh Đắk Nông) nói riêng, cũng như tại Đắk Nông nói chung đã diễn ra nhiều năm nay. Thời gian gần đây, nhiều vụ đầu độc, tàn phá thông trên quy mô lớn càng khiến dư luận bức xúc. Những vụ việc này thể hiện sự coi thường luật pháp của lâm tặc cũng như sự chậm trễ, kém hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.