Hiện trường những cây gỗ bị cưa hạ. |
Điều đáng nói ở đây là hàng chục cây gỗ lớn bị lâm tặc cưa hạ chỉ nằm cách trục đường Đông Trường Sơn khoảng 1km, cách vị trí chốt liên ngành huyện K’bang (Gia Lai) gần 2km. Tuy nhiên, việc khai thác gỗ của lâm tặc lại không bị phát hiện khiến dư luận và các cơ quan truyền thông đặt nghi vấn liệu có cán bộ của Lâm trường Măng La tiếp tay cho lâm tặc phá rừng?
Khai thác có chọn lọc và tinh viĐể tìm hiểu rõ về vấn đề trên, ngày 12/4, nhóm phóng viên đã băng rừng đến những điểm rừng bị lâm tặc khai thác tại tiểu khu 502 nằm ở vị trí giáp ranh rừng giữa Gia Lai - Kon Tum. Vị trí rừng bị phá chỉ nằm cách trục đường Đông Trường Sơn khoảng 1km. Tại hiện trường, phóng viên thấy hàng chục cây gỗ chủ yếu là xoan đào, kháo (nhóm VI) có đường kính từ 40 – 60 cm, có cây đường kính gần 1m bị cưa hạ ngổn ngang, nhiều cây gỗ lớn bị lâm tặc cưa hạ nhưng chưa kịp xẻ hộp. Theo ghi nhận của phóng viên, cứ cách khoảng vài trăm mét là có 3, 4 cây gỗ lớn bị cưa hạ. Hầu hết, lâm tặc chỉ chọn những cây gỗ có đường kính lớn, cách xa khu vực đường Đông Trường Sơn để khai thác. Các cây gỗ lớn sau khi bị cưa hạ đều được xẻ hộp tại chỗ để dễ dàng vận chuyển.
Nhằm tiện cho việc khai thác, lâm tặc còn ngang nhiên dựng lán trại. Tại các điểm rừng bị xâm hại, thuốc lá, vỏ bia, nước ngọt, dụng cụ sử dụng để khai thác như can đựng xăng, dầu… bị vứt lại vương vãi. Nhiều điểm còn có cả dấu vết của việc nấu ăn.
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc cưa hạ không thương tiếc. |
Sau khi cưa hạ và xẻ hộp, lâm tặc đã huy động hàng chục người vào gùi từng phách gỗ ra khu vực đường Đông Trường Sơn để tập kết chờ xe tới vận chuyển. Nếu vận chuyển ra tới vị trí chờ xe tới bốc gỗ chỉ cách điểm trạm kiểm soát của lực lượng chức năng huyện K’bang (Gia Lai) chưa đầy 2km.
Theo ông Phạm Văn Kỷ, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Măng La (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông), diện tích bị khai thác nằm ở khoảnh 13, 16, tiểu khu 502, thuộc loại rừng sản xuất do lâm trường quản lý. “Việc khai thác rừng của lâm tặc diễn ra rất quy mô, tinh vi và có tính toán. Lâm tặc thường dùng cưa độ chế, khai thác vào ban đêm và khu vực khai thác nằm ở dưới suối. Bên cạnh đó, việc khai thác của lâm tặc không để lại dấu vết vì chúng không mở đường, không chặt hạ ồ ạt nên rất khó phát hiện. Chỉ đến khi lâm tặc khai thác xong, xẻ thành hộp và vận chuyển ra khỏi rừng thì để lại dấu vết, khi đó cán bộ của lâm trường đi tuần tra mới phát hiện ra. Khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ tại chỗ 14 đối tượng cùng hơn 153 hộp gỗ xẻ, khối lượng hơn 14,5 m3”, ông Kỷ cho biết.
Không có chuyện cán bộ lâm trường tiếp tay cho lâm tặc
Sau sự việc lâm tặc triệt hạ hàng chục cây gỗ lớn bị lâm trường Măng La phát hiện, Công an huyện Kon Plông đã vào cuộc điều tra. Quá trình điều tra, Công an huyện Kon Plông đã phát hiện sát khu vực tập kết 153 phách gỗ và 15 đối tượng nghi vấn đi trên xe ôtô Toyota BKS 81K-5553 loại 16 chỗ. Tất cả các đối tượng trên được Công an huyện mời về làm việc. Các đối tượng này khai quê Quảng Bình vào Kon Tum 10 ngày làm thuê cho một người tên Hạnh (ở huyện K’Bang).
Số gỗ bị lực lượng chức năng thu giữ. |
Trao đổi với phóng viên về vấn đề cán bộ của Lâm trường Măng La có hay không tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, ông Vũ Văn Bắc - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông khẳng định không có sự việc cán bộ của lâm trường tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Theo ông Bắc, việc phát hiện và bắt giữ vụ việc khai thác rừng trên là do lực lượng của công ty cùng với Công an bắt giữ. Khi phát hiện ra sự việc trên, công ty đã chỉ đạo phải để lâm tặc vận chuyển gỗ tập kết lên khu vực đường Đông Trường Sơn rồi mới bắt giữ, bởi khi đó sẽ bắt giữ được người và tang vật, phương tiện của vụ án mới có căn cứ để khởi tố. "Quan điểm của tôi ngay từ đầu là đề nghị khởi tố vụ án để tìm ra ai là chủ mưu trong vụ phá rừng này, từ đó có biện pháp xử lý, ngặn chặn tình trạng phá rừng. Tôi khẳng định số đối tượng này là từ huyện K’bang qua, vì thời gian gần đây bên huyện K’bang truy quét mạnh tình trạng khai thác rừng nên các nhóm lâm tặc đã tràn sang Kon Tum để khai thác", ông Bắc nói.
Song ông Bắc cũng cho rằng, việc để xảy ra sự việc lâm tặc cưa hạ số gỗ nói trên là do một phần trách nhiệm của các cán bộ Lâm trường Măng La. Do thiếu người, phương tiện, chế độ; diện tích quản lý lớn và việc buông lỏng quản lý, chủ quan với những diện tích rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum - Gia Lai khiến lực lượng chức năng chậm phát hiện để đấu trang và loại trừ tình trạng rừng bị xâm hại. "Chúng tôi sẽ có những hình thức xử lý đối với các cán bộ để xảy ra tình trạng phá rừng nói trên", ông Bắc nhấn mạnh.
Ông Bắc cho biết: "Sau sự việc lâm tặc xâm hại rừng ở tiểu khu 502, Công ty đã trích kinh phí xây dựng một trạm kiểm soát ở khu vực rừng giáp ranh với huyện K’bang, cách trạm liên ngành của huyện K’bang khoảng 1 km. Việc bố trí trạm chỗ này sẽ đảm bảo được công tác quản lý bảo vệ những diện tích giáp ranh giữa hai tỉnh, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng của hai bên được thuận lợi hơn. Để bảo vệ tốt những cánh rừng giáp ranh giữa các địa phương, quy chế phối hợp, thông tin cho nhau, hỗ trợ nhau trong việc quản lý, bảo vệ rừng là điều rất cần".