Đưa vào sử dụng được 1 năm qua, đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), bị người dân ven đường gọi là “cung đường tử thần”. Dài 10,7 km nhưng đoạn đường này từng có tới 15 đường rẽ. Chính vì vậy, nếu chạy xe với tốc độ cao, những đường rẽ trở thành cái bẫy với nhiều lái xe.
Thiếu đồng bộ về hạ tầng
Trên tuyến đường tránh thành phố Vĩnh Yên, mới đi chưa đầy 2 km, người đi đường dễ nhận thấy cứ khoảng 600 - 700 m lại có một đường ngang, lối rẽ. Đó là chưa kể vài đường ngang do dân tự mở. Đó là lý do cung đường này có số vụ tai nạn giao thông nhiều nhất trên tuyến quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc. Theo ghi nhận của Phòng CSGT Vĩnh Phúc, tuyến đường tránh này được đưa vào sử dụng từ ngày 28/12/2010, nhưng qua 1 năm sử dụng trên tuyến đường này đã có gần 40 vụ va chạm, làm 10 người chết (trên tổng số 77 người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn), 31 người bị thương.
Nút giao thông Lạc Thịnh là một điểm đen về an toàn giao thông. |
Theo Thượng tá Phạm Văn Sơn, nút giao thông Lạc Thịnh là một điểm đen an toàn giao thông, bởi tuyến QL2C nối ra bến phà Vĩnh Thịnh luôn tấp nập xe đi lại. Ngã tư rất rộng nhưng điểm giao cắt lại hẹp; đó là chưa kể việc xây những ô chia làn ở 4 góc làm hẹp góc cua. Lái xe phóng nhanh qua đoạn đường này rất dễ gặp tai nạn nếu không quan sát. Chỉ vào những mảnh kính vỡ ngay giữa ngã tư, Thượng tá Phạm Văn Sơn cho biết: “Đây là hiện trường va chạm của 2 ô tô do sang đường. Chính vì vậy, với ngã tư này cần làm đảo tròn giao thông để các xe giảm tốc độ và đi xoay tròn tách làn, hạn chế va chạm. Chúng tôi đã ba lần gửi công văn lên Ban ATGT tỉnh, Tổng cục Đường bộ và đơn vị chủ đầu tư tuyến đường này nhưng chưa thấy hồi âm”.
Anh Hoàng Văn Ánh, lái xe tải 30Y - 4430, cho biết: “Ngã tư Lạc Thịnh này bất hợp lý vì đường tốt nhưng ngã tư chuyển làn hẹp. Nếu phóng nhanh hoặc không quan sát khi chuyển làn rất dễ xảy ra va chạm. Vì vậy, cần làm bùng binh xoay tròn ở ngã tư và có biển báo để lái xe dễ quan sát”.
Cần bịt đường ngang
Đường tránh TP Vĩnh Yên có 2 đầu nối với QL 2 hướng đi Hà Nội - TP Việt Trì (Phú Thọ). Mặt đường khá bằng phẳng, rộng, thoáng với 6 làn xe chạy 2 bên. Vì thế tốc độ tối đa cho phép xe ô tô tham gia giao thông là 80 km/giờ. “Nhiều lối rẽ ngang với mật độ 600 - 700 m khiến nhiều người cố tình đi ngược chiều để tiết kiệm một đoạn đường. Bất hợp lý trong hệ thống đường nhánh, đường rẽ và điều kiện cơ sở hạ tầng không đồng bộ vô hình trung biến đường tránh thành phố không phát huy hết tác dụng", Thượng tá Sơn phân tích. “Biện pháp lâu dài là bịt các lối rẽ này. Trong khi đó, để hạn chế tai nạn giao thông, biện pháp trước mắt là hạn chế tốc độ với cung đường này. Hiện tại, dù đường tốt nhưng cung đường này chỉ được phép chạy 40 km/giờ. Việc cưỡng chế tốc độ này khiến nhiều lái xe và người đi trên tuyến đường này “phản ứng” bởi đường tốt nhưng không cho đi nhanh. Thậm chí, một số người còn phản kháng bằng cách lấy sơn phủ lên biển báo hạn chế tốc độ”, Thượng tá Sơn cho biết. “Trên thực tế, tuần nào không có bóng dáng cảnh sát là y như rằng tuần đó va chạm tai nạn giao thông tăng, do ẩn họa từ những đường rẽ, đường ngang rất lớn”.
Theo Phòng CSGT Vĩnh Phúc, sau nhiều lần kiến nghị, hiện đơn vị quản lý đường này đã bịt 4 trong số 15 đường rẽ, điểm rẽ; trong đó bịt ngã tư “tử thần” giữa tỉnh lộ 305 và đường tránh qua TP Vĩnh Yên tại thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc.
Từ tháng 8 đến nay, Phòng CSGT Vĩnh Phúc đã tiếp tục hai lần có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ, Ban ATGT tỉnh tiếp tục bịt đường rẽ, làm đường gom, hầm chui, hệ thống chiếu sáng, làm đảo giao thông... Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hồi âm.
Bài và ảnh: Xuân Cường