Lâm Đồng: khó cấm chuẩn đoán giới tính thai nhi

Nghị định 104/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2003 ghi rõ: cấm chuẩn đoán giới tính thai nhi dưới bất kỳ phương pháp nào. Tuy nhiên cả thai phụ, người nhà và những người hành nghề y tế tư nhân đều không tuân thủ.

Đó là thừa nhận của Phòng Nghiệp vụ y – dược, Thanh tra Sở Y tế Lâm Đồng khi nói về tình trạng “thỏa thuận thông báo giới tính thai nhi” giữa các y, bác sỹ hành nghề y dược tư nhân và các sản phụ khi các đối tượng này đi khám thai, sản.

Theo bác sỹ Đồng Sỹ Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ y – dược Sở Y tế Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh này có 26 cơ sở khám sản phụ khoa tư nhân quy mô khá lớn tại các huyện Đức Trọng, Di Linh và thành phố Bảo Lộc của tư nhân rải rác ở các huyện, thành khác. Cùng đó, nhiều bác sỹ cũng khám thai nhi tại các phòng mạch tư. Số t hai phụ đến các cơ sở này khám và tư vấn về giới tính thai nhi hằng tháng rất cao.

Việc "qua mắt" ngành chức năng trong việc chuẩn đoán giới tính thai nhi rất khó tìm được bằng chứng. Ảnh internet.


Trong nghị định 104/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2003 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh dân số đã ghi rõ: cấm chẩn đoán giới tính thai nhi dưới bất kỳ phương pháp nào. Tuy nhiên, hầu hết các thai phụ và người nhà có con, em…, mang thai đều “nóng lòng” muốn biết rõ giới tính thai nhi. Nắm bắt tâm lý này, hầu hết những người hành nghề y tư nhân trong lĩnh vực phụ khoa, thai sản đều sẵn lòng cung cấp chi tiết về giới tính thai nhi. Thực tế này, lãnh đạo ngành Y tế và các cơ quan hữu quan đều biết nhưng rất khó khăn khi tìm phương án ngăn ngừa, xử lý. “Đây là chuyện ngành đang rất đau đầu nhưng không có bằng chứng xử lý”- ông Đồng Sỹ Quang nói. Lý do “thiếu bằng chứng” được ông Quang giải thích: vì thông tin về giới tính thai nhi chỉ là “thỏa thuận miệng” giữa thai phụ, người nhà với y, bác sỹ hành nghề.

Hiện nay, ở Lâm Đồng, phương pháp chẩn đoán thai nhi phổ biến vẫn là dùng máy siêu âm nhưng trong phiếu khám, bác sỹ đã dễ dàng “qua mắt” ngành chức năng vì theo quy định chung mẫu phiếu khám không in mục ghi giới tính thai nhi. Phổ biến, các cơ sở khám còn không lưu lại phiếu khám nên Thanh tra ngành y tế hay lực lượng chức năng khác kiểm tra cũng không thể có bằng chứng xử lý. Kết quả được thông báo miệng chỉ là sự “ngầm hiểu” giữa người khám và người được khám. Tình trạng này đã dẫn đến nhiều bi kịch đau lòng. Theo thống kê của ngành Dân số tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong năm 2011 và quý I/2012, trên địa bàn tỉnh này đã có hơn 2.300 ca nạo hút thai, trong đó có những người phá thai vì giới tính không như mong muốn của gia đình.

Thực tế nói trên đang là một lỗ hổng lớn trong quản lý hành nghề y, dược tư nhân tại Lâm Đồng. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan tại địa phương mà trước hết là ngành y tế cần sớm đưa ra các giải pháp quản lý chặt chẽ, để Nghị định nói trên của Chính phủ và Pháp lệnh dân số được áp dụng vào thực tế hiệu quả hơn./.

Sơn Tùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN