Các đơn vị chủ rừng bị đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk trên địa bàn huyện Đam Rông, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Hà, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đa Nhim trên địa bàn huyện Lạc Dương và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng trên địa bàn huyện Đam Rông.
Căn cứ đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với 4 đơn vị chủ rừng được dựa trên cơ sở đánh giá về số vụ vi phạm nổi cộm; diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại lớn; số vụ không xác định được đối tượng vi phạm trên tổng số vụ vi phạm.
Về vấn đề này, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng Ngô Văn Ninh cho biết: Trong quý I năm 2021, tỉnh Lâm Đồng cơ bản thực hiện đạt và vượt kế hoạch tất cả các chỉ tiêu đề ra. Riêng 2 nội dung là kiềm chế tai nạn giao thông và quản lý bảo vệ rừng là không đạt yêu cầu. Quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng là sẽ kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị chủ rừng, cán bộ lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ xem xét, đình chỉ và làm rõ trách nhiệm của một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật với mức độ vi phạm lớn.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng: Cũng trong quý I năm 2021, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 152 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 75 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm. Diện tích rừng bị phá là 10,6ha; khối lượng lâm sản thiệt hại lên tới trên 1.000m3, tăng 42% về diện tích và 121% về khối lượng thiệt hại so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 680 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, 351 vụ đã phát hiện được đối tượng vi phạm, 329 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Diện tích rừng bị thiệt hại là 45,6 ha với gần 2.500 m3 lâm sản. Lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 34 vụ với hàng chục đối tượng liên quan.