Công văn số 655 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến ký có đoạn nêu rõ: "Trong thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam và các trang thông tin báo chí đăng bài viết phản ánh tình trạng rừng tái sinh ở huyện Nậm Pồ bị phá. Sau khi xem xét, tỉnh Điện Biên có ý kiến như sau: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên, các sở, ngành đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam cùng các trang thông tin báo chí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền thì thống nhất tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên xem xét, xử lý. Các sở ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10/4/2021".
Công văn cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ tiếp tục triển khai nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tăng cường quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn.
Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện chùm ảnh, bài phản ánh và phóng sự “Báo động thực trạng 'khai tử' rừng tái sinh ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên)”. Nội dung tóm tắt như sau: Nhiều năm qua, do công tác quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn buông lỏng; công tác quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn còn tồn tại nhiều bất cập; đặc biệt do nhu cầu về diện tích đất làm nương rẫy với phương thức canh tác luân canh lạc hậu, nhu cầu về nguồn chất đốt của người dân nên nhiều diện tích rừng tái sinh, sau tái sinh có độ tuổi nhiều năm trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã bị người dân tàn phá đến mức báo động, dẫn đến nhiều khu rừng tái sinh, sau tái sinh bị “trọc hóa”.
Đặc biệt, trên địa bàn bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ), bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua) của huyện Nậm Pồ, cảnh rừng tái sinh, sau tái sinh bị chặt hạ, tàn phá rất nghiêm trọng. Tại địa bàn 2 bản này phóng viên đã tiếp cận 3 khu vực có rừng tái sinh, sau tái sinh bị người dân chặt phá, đốt với tổng diện tích khoảng 25.000 m2. Để có diện tích làm nương rẫy, lấy gỗ làm nhà và nguồn củi đốt, người dân địa phương đã dùng cưa xăng, dao, dựa chặt hạ cây và phân loại, tập kết, sơ chế (cưa xẻ) ra gỗ thành phẩm ngay tại hiện trường. Những cây, cành nhỏ còn lại bị đốt cháy để tạo độ xốp, cung cấp chất dinh dưỡng cho nương rẫy. Thân cây, cành cây, những khúc cây chất thành đống tại vị trí đỉnh đồi, triền đồi, vùng “yên ngựa”, bên đường mòn và dưới mép nước của khe suối cạn.
Tại các buổi làm việc với phóng viên TTXVN, chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cũng thừa nhận về những khó khăn, bất cập trong việc triển khai quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Đặc biệt, Nậm Pồ là huyện nghèo, diện tích rừng manh mún, người dân sinh sống trong khu vực rừng có tập quán du canh nên việc phát vén, xâm hại rừng là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng nên việc tuần tra, phát hiện, xử lý những trường hợp phá rừng, xâm hại rừng gặp rất nhiều khó khăn, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều tồn tại.
Tại địa bàn Nậm Pồ, đất ở, đất canh tác, nương rẫy của bà con vẫn còn lẫn vào quy hoạch 3 loại rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rất khó khăn.