Kiên quyết đấu tranh phòng, chống buôn bán người sau hợp nhất

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ lớn về tội phạm mua bán người do mật độ dân nhập cư khá đông từ các tỉnh, thành phố khác đến học tập, tìm việc làm mưu sinh và lập nghiệp. Sau hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh mới trở thành một đô thị rộng lớn với quy mô dân số lên tới hàng chục triệu dân. Sự biến động dân cư liên tục, đặc biệt là tại các khu vực nhạy cảm (như: nhà ga, bến xe, khu chế xuất công nghiệp, cảng biển...) tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm nóng về tội phạm mua bán người.

Nhức nhối nạn mua bán người

Báo cáo công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, riêng trong 9 tháng của năm 2024, các cơ quan chức năng tại Thành phố đã phối hợp tiếp nhận và xác minh 56 trường hợp nạn nhân bị mua bán. Trong đó, lực lượng Công an triệt phá 2 vụ mua bán người dưới l6 tuổi trong nội địa, bắt 16 đối tượng, giải cứu 52 nạn nhân; 1 vụ mua bán người ra nước ngoài, bắt 3 đối tượng, giải cứu 1 nạn nhân (do cơ quan chức năng Campuchia trao trả).

Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, xác minh và giải quyết 114 trường hợp bảo hộ công dân với 95 đơn đề nghị giúp đỡ thân nhân ở nước ngoài. Đây là những trường hợp công dân Việt Nam nghi là nạn nhân bị mua bán gặp khó khăn như bị mất tích, bị giam giữ, bạo hành, mất liên lạc với gia đình..; trong đó có 32 trường hợp, chiếm tỷ lệ 22% (đa phần là nam giới) cư trú tại Thành phố bị dụ dỗ/lừa bán và cưỡng bức lao động ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở Campuchia, Trung Quốc...

Từ năm 2020 - 2025, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận 7 trường hợp là nạn nhân bị mua bán trở về (tăng 40% so với giai đoạn 2016 - 2019) bao gồm 3 phụ nữ, 4 nam giới; trong đó 2 người bị mua bán sang Trung Quốc, 5 người bị mua bán sang Campuchia.

Theo Sở Y tế Thành phố, với đặc điểm mật độ dân nhập cư lớn cùng vị trí đầu mối giao thương quan trọng, có các bến xe, bến tàu và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tội phạm hoạt động mua bán người thường chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm nơi tập kết, trung chuyển đưa người ra nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán bằng nhiều hình thức và thủ đoạn rất tinh vi (như: tuyển chọn đưa người đi lao động ra nước ngoài, ký kết làm ăn kinh tế hoặc tham quan, du lịch, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi, bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em...).

Đối tượng tội phạm mua bán người thường lựa chọn đa số là phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kiến thức hiểu biết pháp luật hạn chế. Nơi hoạt động ngầm của bọn tội phạm mua bán người chính là các hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo, Wechat...

Thủ đoạn mua ngày càng tinh vi

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tội phạm mua bán người lợi dụng triệt để các trang mạng xã hội để thành lập các nhóm kín, các trang ẩn danh nhằm thực hiện thủ đoạn, phương thức, chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân. Thành phần mà các đối tượng này hướng đến thường là phụ nữ không có việc làm ổn định, thanh thiếu niên hoàn cảnh gia đình khó khăn có nguy cơ bỏ học, thanh niên từ các tỉnh, thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm...

Thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có tinh thần cảnh giác, còn chủ quan, lơ là trước sự phức tạp tiềm ẩn của tội phạm mua bán người; từ đó tạo kẽ hở cho tội phạm có cơ hội hoạt động, điển hình qua các vụ lừa đảo người sang các nước như: Camphuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc... với chiêu bài “việc nhẹ lương cao”. Khi xảy ra vụ việc, một số nạn nhân và gia đình nạn nhân không tự giác khai báo do còn mặc cảm, sợ kỳ thị, sợ bị trả thù. Điều này khiến việc điều tra, thống kê xác định nạn nhân còn gặp khó khăn.

Trong khi đó, đối tượng phạm tội đa dạng. Ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động chuyên nghiệp, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài khi trở về nước đã dụ dỗ, lừa bán người khác. Nhiều trường hợp sử dụng công nghệ cao để phạm tội... Điều này gây khó khăn trong việc phát hiện, điều tra và truy tố kẻ phạm tội cũng như khó khăn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời để bảo vệ nạn nhân bị mua bán và người thân của họ.

Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại, việc hợp nhất giữa Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương sẽ tạo ra khu đô thị hóa rộng lớn với quy mô dân số lên tới hàng chục triệu dân. Sự biến động dân cư liên tục, đặc biệt là tại các khu vực nhạy cảm như: nhà ga, bến xe, khu chế xuất công nghiệp, cảng biển... tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm nóng về tội phạm mua bán người.

Dự báo trong thời gian tới, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, tình hình mua bán người ngày càng có chiều hướng gia tăng và phức tạp, khó kiểm soát, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị; nhất là từ cấp cơ sở trong công tác phát hiện, tố giác các loại tội phạm liên quan đến mua bán người.

Sở Y tế đang tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người di cư an toàn trên địa bàn Thành phố. Thông qua mô hình này, người dân sẽ được cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cần thiết; từ đó giảm nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.

Đinh Hằng  (TTXVN)
Tổng đài 111 tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người
Tổng đài 111 tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người

Chính phủ đã ban hành Nghị định 162/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó quy định cụ thể về Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN