Không thể chống buôn lậu bằng “hàng rào” người

Cho rằng buôn lậu là một quan hệ kinh tế, nếu ngăn cản bằng “hàng rào” người sẽ kém hiệu quả, GS Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), đề nghị, cần phải chống buôn lậu bằng các giải pháp kinh tế thông qua hàng rào thuế quan.

Buôn lậu ngày càng tinh vi
Có mặt tại một trong những điểm nóng về tình trạng buôn lậu khu vực biên giới Tây Nam - cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) vào một buổi trưa hè tháng 7, chúng tôi được cơ quan chức năng cho biết, tình trạng buôn lậu diễn ra phức tạp nhất tại khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, với mặt hàng bia, rượu ngoại.

 

Cửa hàng miễn thuế của Campuchia, khu vực bên kia cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).


Theo đó, các đối tượng buôn lậu xuất khẩu mặt hàng bia rượu qua cửa khẩu Mộc Bài của Việt Nam sang Campuchia, nhưng không nhập khẩu vào Campuchia mà để lại tại các kho chứa hàng. Sau đó, chúng tổ chức chia nhỏ, vận chuyển nhập lậu trở lại khu vực hai bên cánh gà vào nội địa rồi tuồn về TP Hồ Chí Minh.


Thay vì phải nộp thuế VAT, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bia sang Campuchia được miễn thuế và được mở tờ khai không hạn chế. Trong khi đó, hàng trong nước có giá cao hơn hẳn do phải chịu nhiều loại thuế trên. Sự chênh lệch giá quá cao giữa bia sản xuất trong nước với bia nhập lậu theo phương thức này khiến các đối tượng không từ thủ đoạn. Theo tính toán của cơ quan hải quan tỉnh Tây Ninh, mỗi thùng bia Heineken nhập lậu có thể lãi cả trăm nghìn đồng.


Ông Phạm Hồng Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tây Ninh cho rằng: “Hải quan chỉ có nhiệm vụ giám sát hàng ra khỏi cột mốc. Còn hàng hóa đó có được nhập vào Campuchia hay không lại thuộc quyền quản lý của của hải quan nước bạn. Vì vậy, các đối tượng buôn lậu đã dùng thủ đoạn nhờ người Campuchia mua, nhưng không mang hàng về mà mang tới các kho hàng thuộc khu vực vành đai. Lợi dụng đường biên giới dài, lực lượng chống buôn lậu mỏng, hàng lậu lại được tuồn qua lối mòn quay trở về Việt Nam”.


Thủ đoạn tinh vi này được các đối tượng buôn lậu sử dụng trên khắp đường biên giới giáp ranh Campuchia. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2014, Sở đã phát hiện, xử lý 26 vụ buôn lậu, tịch thu 1.558 chai rượu và 7.260 lon (chai) bia các loại. Đây là con số rất nhỏ so với số hàng lậu vận chuyển thực tế qua biên giới.


Thêm lo khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt


Trong khi tình hình buôn lậu bia rượu đang diễn biến phức tạp thì Bộ Tài chính đang có dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu bia lên 15 - 30% so với mức đang áp dụng. Mục đích của việc tăng thuế là để hạn chế người tiêu dùng sử dụng mặt hàng này và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại mới đối với tình trạng buôn lậu.


Theo ông Đỗ Thanh Hòa, nếu không có giải pháp đi kèm thì việc tăng thuế đồng thời sẽ làm tăng tình trạng buôn lậu. “Khi thuế TTĐB với rượu bia tăng lên thì bia rượu trong nước sẽ tăng giá. Bia rượu nhập lậu không phải chịu thuế nên giá rẻ hơn nhiều và cạnh tranh trực tiếp với bia rượu trong nước”, ông Hòa nói.


Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, việc tăng thuế chắc chắn không tránh khỏi gia tăng buôn lậu. “Buôn lậu chỉ gia tăng khi có sự chênh lệch về lợi nhuận. Với chức năng quản lý thị trường, chúng tôi sẽ phối hợp, tăng cường với các lực lượng biên phòng, hải quan và công an để làm tốt công tác chống buôn lậu”, ông Hùng cho biết.


Còn GS Phan Đăng Tuất (chuyên gia kinh tế, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này là “miếng mồi ngon” cho hàng nhập lậu. Giá nguyên liệu bia nhập khẩu hàng năm đều tăng, giờ cộng thêm việc tăng thuế TTĐB sẽ đẩy giá bia tăng đột biến. Đồng thời, ông Tuất cũng cho rằng: “Công cụ chống buôn lậu tốt nhất là hàng rào thuế, các chủ trương và các giải pháp kinh tế, không tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế chứ không phải là tăng hàng rào “người” căng ra chống buôn lậu. Chống buôn lậu bằng phương pháp hành chính là cách làm tốn kém nhất vì vừa phải truy đuổi, tịch thu hàng hóa, vừa phải bỏ tiền tiêu hủy”.


Để giải quyết tình trạng dân buôn lậu tạm xuất hàng sang Campuchia rồi nhập trở lại Việt Nam hòng trốn thuế, ông Đỗ Thanh Hòa kiến nghị Bộ Tài chính nên có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn. Ví dụ như nếu doanh nghiệp xuất mà không có hợp đồng, không có địa chỉ người mua bên Campuchia, thì hải quan không mở tờ khai. Mặt khác, ông Hòa cũng đề nghị Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương khi tiêu hủy hàng lậu.

 

Chưa hết hàng lậu, lại lo hàng giả Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường dự báo, trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại dần có hiệu lực, các sắc thuế dần được điều chỉnh công bằng giữa các thị trường thì hàng ngoại sẽ “đường hoàng” vào Việt Nam chứ không cần phải nhập lậu nữa. Khi đó, mối lo chính của cơ quan chức năng lại là hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Theo ông Hùng, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng chính sách thuế được gỡ bỏ khi mở cửa để đưa các hàng giả, hàng nhái công nghệ cao vào. Chúng ta sẽ phải đối mặt với mối lo lớn này.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu
Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu

Nhiều biện pháp cứng rắn nhằm trấn áp, xử lý nạn buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được các lực lượng chức năng thực hiện và phần nào tạo những chuyển biến nhất định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN