Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) và các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh"
Thực tế cho thấy, việc điều tra, xử lý nghiêm minh, triệt để hành vi tham nhũng bằng pháp luật hình sự có tác dụng răn đe rất lớn. Trong toàn bộ các khâu của tiến trình tố tụng đối với các vụ án tham nhũng, kết quả của giai đoạn điều tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến các khâu truy tố, xét xử tội phạm. Phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" đã được quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả trong quá trình điều tra các vụ án.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, các cơ quan đã điều tra làm rõ một số vụ đặc biệt nghiêm trọng mà trước đó cho là có "vùng cấm, nhạy cảm". Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài hay "chìm xuồng".
Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh, tất cả các vi phạm đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, "bất kể người đó là ai". Điều này thể hiện qua việc cơ quan điều tra đã khởi tố 1 bị can nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, 3 bị can nguyên là Bộ trưởng, một số cán bộ tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang…
Từ kết quả điều tra, truy tố đã xét xử các bị cáo với những mức án nghiêm khắc, trong đó có cả án chung thân, tử hình. Điển hình như Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn, Đặng Văn Hai trong vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính ALC2; Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Housing Group… "Thông qua việc xử lý triệt để các vi phạm, công tác thu hồi tài sản án tham nhũng được thực hiện triệt để hơn, nhiều vụ án thu hồi 100% tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, vụ án xảy ra tại Công ty Hadico, Hà Nội…", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, xử lý án tham nhũng ở các địa phương cũng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Bằng chứng là năm 2016 có 11 địa phương không có án tham nhũng khởi tố mới, đến năm 2019 chỉ còn 3 địa phương.
"Có thể nói, quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng với phương châm nhất quán "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan tư pháp trong phát hiện, điều tra, xử lý án tham nhũng. Việc xác định rõ cơ chế xử lý những khó khăn theo từng cấp độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhận định.
Xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế lớn bị phát hiện và lần lượt đưa ra xét xử. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ bản chất tư lợi, áp dụng nhiều biện pháp mới để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, có vụ thu hồi được hàng chục nghìn tỷ đồng.
Từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/5/2020, trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, các Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 13.599 vụ án/26.621 bị can; xét xử 10.917 vụ án/19.406 bị cáo về các tội phạm tham nhũng, kinh tế. Trong đó, nhiều cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cao cấp bị xét xử, khẳng định quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai"; công khai các cán bộ vi phạm, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý…
Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các Tòa án luôn nhận được chỉ đạo thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao… Với phương pháp chỉ đạo khoa học, theo dõi sát diễn biến phiên tòa, công tác xét xử đã đạt được nhiều kết quả; là điểm sáng trong hoạt động tư pháp. Điển hình như các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo 110 để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Ban Nội chính Trung ương- Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành, giúp cho quá trình xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, bảo đảm đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đặc biệt, các vụ án do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đều được xét xử đúng tiến độ và kế hoạch. Việc đảm bảo chất lượng xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn được chú trọng.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác xét xử tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong các văn bản này, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án các cấp khi xét xử phải xem xét toàn diện vụ án, áp dụng đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người phạm tội tham nhũng. Về đường lối xử lý cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chỉ áp dụng đối với những bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt, đúng nguyên tắc xử lý, căn cứ quyết định hình phạt và Điều 65 Bộ luật Hình sự cũng như hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao….
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.