Trước đó, ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) xác nhận, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc một sản phụ bị tài xế xe dịch vụ bỏ rơi giữa đường khi đang trên đường đi cấp cứu, dẫn đến thai nhi tử vong khi vừa mới chào đời.
Theo luật sư Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Công ty luật Hợp danh The Light, hành vi này của người lái xe có thể do nhận thức lạc hậu về những "kiêng kị" khi có người đẻ trên xe. Hành vi đó đã dấy lên sự phẫn nộ từ dư luận xã hội về thái độ vô cảm khi bỏ rơi người sản phụ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Rõ ràng dưới góc nhìn đạo đức xã hội, đây là hành vi đáng lên án nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn cả là trách nhiệm hình sự của lái xe như thế nào?
Vụ việc xảy ra có dấu hiệu giống hành vi "Không cứu giúp người đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 132 Bộ luật hình sự - BLHS 2015. Tuy nhiên, khi xem xét trách nhiệm hình sự không thể cảm tính mà phải có căn cứ các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong đó cần đặc biệt xem xét mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Công ty luật ICC Việt Nam cũng cho rằng: Điều 132 cũng quy định dấu hiệu bắt buộc về mặt hậu quả là “dẫn đến hậu quả người đó chết”, nhưng trong tình huống này thì sản phụ (người bị bỏ mặc, không cứu giúp) không chết.
Trước đó vào ngày 17/8, sản phụ Vy Thị Yến, ngụ tại thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cùng chồng là Ma Đinh Sắc, thuê xe dịch vụ 7 chỗ của một nhà xe trên địa bàn xã Thống Nhất đưa đến bệnh viện với giá thỏa thuận ban đầu 750.000 đồng. Tuy nhiên khi đi được khoảng 3 km, chị Yến bị đau bụng dữ dội (đã mang thái đến tháng thứ 7) có dấu hiệu vỡ ối, sinh non nên lái xe tên là Nhạc (cũng là chủ xe) đã mời gia đình sản phụ Yến xuống xe, lót tấm bạt nhựa để sinh. Khi vừa nằm xuống tấm bạt nhựa bên cạnh đường, chị Yến trở dạ sinh được một bé trai nhưng sau đó cháu bé đã tử vong.