Theo các Luật sư (Đoàn Luật sư Hà Nội), tin nhắn bị coi là đe dọa giết người khi nội dung tin nhắn thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng của người nhận tin hoặc người thân thích của họ. Nội dung tin nhắn có thể không đề cập đến cách thức sẽ giết người như thế nào hoặc được mô tả cụ thể như sẽ đốt nhà, gây tai nạn giao thông, bắn, đâm… song làm người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện.
Nếu việc nhắn tin mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng các hành động khác nhằm làm nạn nhân biết việc này có thể xảy ra thì người nhắn tin sẽ bị khép vào tội “Đe dọa giết người”, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự. Nếu có hành vi đe dọa giết người nhưng người bị đe dọa chưa thực sự lo lắng hậu quả sẽ xảy ra thì không cấu thành tội phạm này.
Được biết, cơ quan của hai nữ phóng viên Liên Liên (Đài Truyền hình Việt Nam) và Thu Trang (Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh) đã có công văn gửi Bộ Công an, Công an TP Hà Nội đề nghị vào cuộc điều tra đối với tin nhắn gửi tới số máy của hai nữ phóng viên. Cả hai phóng viên đều nhận được những tin nhắn có nội dung giống nhau được gửi từ một số điện thoại.
Cụ thể, đêm 2/12, phóng viên Nguyễn Thị Liên (bút danh Liên Liên, công tác tại Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam) nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ xxx7933 với nội dung đe dọa. Người dùng số điện thoại này nhắn tin yêu cầu phóng viên dừng lại việc điều tra nếu không "cả nhà sẽ phải chết".
"Mày dừng lại đi, đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày", đây là nội dung tin nhắn mà hai nữ phóng viên nhận được.
Theo các luật sư, thông qua việc nhắn tin đe dọa tính mạng cán bộ, công chức, người dân, kẻ phạm tội hướng tới làm suy yếu quy định của pháp luật. Nếu đối tượng bị nhắn tin đe dọa là lãnh đạo, cán bộ nhà nước thì người phạm tội sẽ bị xác định có tình tiết tăng nặng, theo khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự, mức phạt tù 2 - 7 năm.
Nếu việc nhắn tin không mang tính đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu sách thì hành vi này không phạm tội hình sự, nhưng bị xử phạt hành chính. Theo điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP, người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi “đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.
Khi bị nhắn tin đe dọa, người nhận tin nhắn cần gửi đơn tố cáo tới cơ quan điều tra công an, kèm theo các tài liệu liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Căn cứ vào kết quả điều tra, tùy theo mức độ, hành vi nhắn tin đe dọa sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về một tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Trước đó, cuối tháng 9, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng "bảo kê" tại chợ Long Biên. Nhóm phóng viên đã dành nhiều thời gian nhập vai, đi thực tế tại chợ Long Biên và quay được nhiều hình ảnh về tình trạng có một nhóm người "bảo kê", thu tiền bến bãi của các tiểu thương.
Sau khi loạt bài được đăng tải, cơ quan công an đã khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản và hiện vẫn trong quá trình điều tra.
Theo thông tin từ phóng viên Liên Liên, trung tuần tháng 12/2018, nhóm phóng viên có kế hoạch quay trở lại chợ Long Biên để tiếp tục quay phim, điều tra một số thông tin liên quan thì nhận được những tin nhắn đe dọa.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã nhận được đơn của hai nữ phóng viên và sẽ vào cuộc điều tra để sớm làm rõ.
Báo Tin tức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.