Hoãn phiên tòa xét xử vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định

Liên quan đến vụ 64,18 ha rừng tự nhiên ở huyện miền núi An Lão (Bình Định) bị "lâm tặc" xóa sổ mà phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có loạt phóng sự điều tra, phản ánh, ngày 28/6, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, hàng loạt người liên quan đến vụ án đều vắng mặt đã buộc hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

 

Phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 9 bị cáo, về tội “Hủy hoại rừng”, trong đó ông Lê Văn Thiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo - trụ sở đóng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với vai trò chủ mưu.

 

Điều bất thường đã xảy ra tại phiên xét xử sơ thẩm khi hàng loạt người liên quan đều vắng mặt. Luật sư bào chữa cho ông Lê Văn Thiệt và đại diện người bị hại đều không có mặt. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng không có mặt.

 

Sau khi Hội đồng xét xử hoàn thành xong thủ tục khai mạc phiên tòa, lấy ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, hỏi luật sư có mặt đều nhận được kiến nghị hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên xét xử.

 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, tháng 7/2017, ông Lê Văn Thiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo chỉ đạo Nguyễn Văn Ri – Đội trưởng Đội xe máy của Công ty Thương Thảo triển khai phá rừng tại khoảnh 8 tiểu khu 1 xã An Hưng, huyện An Lão, để trồng keo cho Công ty.

 

Sau đó, Nguyễn Văn Ri thuê nhân công phá 2 khu vực rừng với tổng diện tích 37,5 ha, trữ lượng thiệt hại 2.868m3 gỗ; giá trị rừng bị thiệt hại hơn 1,94 tỷ đồng. Để thực hiện việc hủy hoại rừng, ông Thiệt ngang nhiên cho mở đường, lập lán trại, nhân công dùng cưa máy, đốt phá rừng; những khối lượng gỗ lớn thì dùng xe ô tô tải vận chuyển về kho của Công ty.

 

Ngoài ra, 7 bị cáo khác trú xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, đã trực tiếp phá rừng và góp tiền để thuê người phát thực bì, phá hoại rừng tại khoảnh 7, khoảnh 8 tiểu khu 1 xã An Hưng, với tổng diện tích 27 ha, trữ lượng thiệt hại hơn 2.650 m3 gỗ, giá trị rừng bị thiệt hại là hơn 2,85 tỷ đồng.

 

Đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Bình Định được dư luận rất quan tâm. Sau khi vụ việc được phóng viên TTXVN phát hiện và phản ánh, ngày 9/9/2017 Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ phá rừng tự nhiên nghiêm trọng này.

 

Tuy nhiên, sau gần một năm vụ án mới được đưa ra xét xử, nhưng sự vắng mặt của hầu hết các bên liên quan tại phiên tòa khiến dư luận đặt nghi vấn về tính nghiêm minh trong quá trình điều tra vụ án.

 

Phạm Kha - Nguyên Linh (TTXVN)
Khởi tố 4 bị can liên quan vụ 'mất' gần 3.000 ha đất lâm nghiệp, đất rừng tại Gia Lai
Khởi tố 4 bị can liên quan vụ 'mất' gần 3.000 ha đất lâm nghiệp, đất rừng tại Gia Lai

Ngày 21/6, Thượng tá Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với: Ông Tưởng Tín và ông Nguyễn Đức đều là nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ; ông Ngô Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Trà Đa (nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú) và ông Mã Phi Bình (cán bộ địa chính xã Diên Phú) về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, thành phố Pleiku, Gia Lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN