Theo Công an thành phố Hà Nội, với cam kết lợi nhuận "khủng", đòn bẩy cao gấp nhiều lần, thậm chí là được mua cổ phiếu ưu đãi giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, những lời quảng cáo này đã dụ dỗ được rất nhiều nhà đầu tư. Thời gian đầu, các app này để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, đối tượng sẽ tư vấn để "con mồi" nạp tiền nhiều hơn rồi sẽ khóa app, không cho rút tiền. Nhiều người đã trở thành nạn nhân, bị lừa đảo chiếm đoạt, không rút được tiền đầu tư.
Điển hình như: Trường hợp chị P (sinh năm 2003, hộ khẩu thường trú tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) có tham gia nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm về chứng khoán. Chị P được hướng dẫn tải app “Gold Finger” để đầu tư. Chị P chơi thử, nạp 27 triệu đồng thì rút được 33 triệu đồng trên app. Thấy lợi nhuận cao, chị P đã nạp thêm hơn 400 triệu đồng để đầu tư nhưng không rút được tiền ra. Sau đó, chị P có liên hệ bên quản lý app thì được yêu cầu đóng phí 10% mới được rút tiền. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị P đã đến Công an quận Đống Đa trình báo sự việc.
Trước tình trạng trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo. Mọi người có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an nơi gần nhất trình báo sự việc, để được hỗ trợ, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.