Giết người vì bị đánh, có phải là phòng vệ chính đáng?

Chị Nguyễn Thanh Thúy (Yên Bái) hỏi: Trên đường đi học về, em trai tôi bị một nhóm thanh niên xông vào đánh vì cho rằng em tôi “nhìn đểu” họ. Trong lúc giằng co, để chống trả, em tôi có lấy dao ở dưới đất và đâm trúng ngực phải một người trong nhóm.

Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng người đó đã tử vong. Xin hỏi trong trường hợp này em tôi có phạm tội hay không? Nếu phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào?

Trong vụ việc này, do em bạn đã bức xúc trước việc bị nhóm thanh niên đuổi đánh một cách vô cớ nên đã phản ứng và hậu quả dẫn đến cái chết của một người. Vấn đề cần quan tâm là hành vi của em bạn có phải là hành vi phòng vệ chính đáng hay đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Theo Điều 15 Bộ luật Hình sự quy định về vấn đề Phòng vệ chính đáng: 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 5/1/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phòng vệ chính đáng phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.

2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

3. Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.

4. Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.

Trong trường hợp này, khi nhóm thanh niên có hành vi đánh em bạn đã phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của em bạn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì phòng vệ chính đáng đòi hỏi sự chống trả lại một cách cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi tấn công trong trường hợp cụ thể. Trong vụ việc này, hành vi của em bạn nhặt dao ở dưới đất để đâm là quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị xâm hại. 

Do đó đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vì vậy, em bạn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự. 

Cụ thể, người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

PV/Báo Tin Tức
Chánh án Sơn La lên tiếng về phiên tòa xử học sinh dùng dao đâm chết bạn
Chánh án Sơn La lên tiếng về phiên tòa xử học sinh dùng dao đâm chết bạn

Bị đe dọa, mang dao đến lớp và khi bị đánh, Thịnh chạy vào lớp lấy dao đâm vào ngực Anh, khiến Anh tử vong. Sau đó, Thịnh chỉ bị phạt 18 tháng tù giam. Tại sao vậy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN